Chapter 37

icon
icon
icon

Trương tuần Long ngồi uống rượu một mình ngay giữa sân, dù bị mất chức về tay Minh rỗ, dân làng khi gặp gã vẫn gọi là ông trương. Chẳng giống chức lý trưởng có lý cựu và lý đương, hết chức trương tuần không ai gọi trương cựu bao giờ. Sau mấy tháng băng rừng lội suối, trương tuần Long ngộ ra một điều, các cụ xưa đã nói rừng nào cọp đấy cấm sai, một mình gã dù có khoẻ như trâu mộng vẫn không phải là đối thủ của mấy gã người Thổ, chưa kể hầm chông, bẫy thú ở khắp nơi. Biết chỗ vợ mình bị giam lỏng, tuy nhiên lực bất tòng tâm nên gã quyết định quay về tìm kế khác. Chiều hôm trước ngồi ăn bánh đúc ngay chợ huyện, vô tình gặp mấy bà người làng buôn bán nhì nhằng ở đó, sau một buổi ngồi nghe, gã năm được hết thông tin của làng kể từ ngày mình lên mạn ngược. Nhà họ Trần oai phong một thời, ai ngờ trâu bị thuốc chết còn lão anh vợ dù là cụ tiên chỉ vẫn bị phang ngay giữa đình. Tự thấy mình may mắn khi vắng mặt, nếu không vụ trâu chết đám họ Trần đổ riệt sẽ tình ngay lý gian, trương tuần Long quyết định nhanh, việc họ Trần sẽ để họ Trần tự giải quyết.

 

Nốc thêm chén rượu rồi vốc nắm lạc rang cho vào tay xoa nhẹ, gã thổi cho vỏ lạc bay về phía con vện đang nằm sưởi nắng còn đàn gà con đang chạy trong sân kiếm ăn. Hôm đó thay vì quay về làng từ lúc chập tối, gã chọn đêm khuya thanh vắng khi đám tuần đinh ngồi trên điếm canh để rồi lặng lẽ qua cổng nhật vào làng. Không về nhà ngay dù muốn gặp con gái, gã trèo tường của ngôi chùa làng nhẹ như con mèo để gặp sư trụ trì. Dẫu biết sư Thiện Tâm đã quy y cửa Phật không màng chuyện thế gian, trương tuần Long vẫn tung hê mọi chuyện khi tố cáo thúc phụ của sư trụ trì là kẻ tàn ác với chính em ruột của mình. Bằng việc bạch hoá tất cả, gã muốn sư Thiện Tâm phải đi cứu bà cô ruột, bởi một giọt máu đào hơn ao nước lã, chưa kể đây là việc của nhà họ Trần. Khi thấy sư Thiện Tâm im lặng như suy nghĩ điều gì, trước lúc chia tay gã nhắc nhẹ “cứu một người còn hơn xây bảy toà tháp, huống chi người đó là cô ruột”. Chẳng cần biết vị trụ trì làm cách gì, gã về nhà trong sự vui mừng của cô con gái, dẫu mất chức trương tuần, nhà có mấy mẫu ruộng tự cấy hái chẳng lo chết đói.

 

Dù biết phi thương bất phú, ở làng Mật ít người tham gia buôn bán, nếp nghĩ bao năm khó thay đổi, bà con chỉ quen canh tác cấy hái trên đồng ruộng nhà mình. Ngại buôn bán là vậy, trương tuần Long thấy mọi người hào hứng buôn chuyện nhà người khác, nó giống như món ăn tinh thần vậy. Nhằm thoả mãn những con người đói tin khát chuyện thị phi, gã dành cả tuần ra ngồi quán bún riêu ngay chợ làng rồi kể ngọn ngành chuyện bà vợ bị anh trai làm cho tàn phế ra sao, chuyện lão Tân lén lút đưa vợ gã lên chợ huyện giao cho người Thổ thế nào. Đúng như câu sét giữa trời quang mây tạnh, câu chuyện khủng khiếp được rỉ tai nhau khắp mọi nơi từ thôn Đoài tới thôn Đông và sang cả làng khác. Thậm chí mấy bà chạy hàng xáo trên chợ huyện cũng mang câu chuyện đi xa còn hơn gió thổi, tiếng lành đồn xa, tiếng ác đồn xa hơn, cụ Cử Vinh trong mắt mọi người giờ như ác quỉ hiện hình.

 

Chẳng phải người có học, trương tuần Long cảm thấy hài lòng vì đã dùng chiêu mượn mồm thiên hạ vạch mặt lão anh vợ đang là tiên chỉ của làng, gã biết nếu có đấu khẩu chẳng lại được, còn đấu võ đương nhiên không phải đối thủ. Biết rõ cha con lý Hoà luôn coi mình là kẻ hữu dũng vô mưu, lần này gã lấy sức nhàn thắng kẻ địch mạnh, chưa kể việc đi giải cứu bà vợ nếu không khéo chẳng còn đường về, bởi vậy gã đẩy việc đó sang tay người họ Trần là sư Thiện Tâm. Khi con gái bưng bát bún riêu đặt trước mặt, trương tuần Long nói nhỏ đủ cho hai cha con nghe:

-Con một lúc làm chết ba con trâu nhà họ Trần kể cũng ác, nhưng dừng tay được rồi đừng làm gì thêm nữa.

Liễu ngạc nhiên hỏi lại:

-Sao thầy cho rằng con là thủ phạm.

Không trả lời thẳng câu hỏi của con gái, trương tuần Long chỉ tay xuống bếp rồi giải thích, số bả độc của người dân tộc gã cất ở mái bếp, hiện giờ chẳng còn lại dấu tích, như vậy rõ ràng con gái là thủ phạm. Thậm chí gã đoán được con gái pha thuốc rồi tưới vào cỏ khô, như vậy bố thằng ma tây sống lại cũng bó tay chẳng tìm ra nguyên nhân. Biết chẳng gì qua mắt được thầy của mình, Liễu cho biết cô coi họ Trần như kẻ thù, đúng là sau khi khiến ba con trâu bị chết, việc tiếp theo cô muốn phóng hoả thiêu rụi ngôi từ đường bên họ ngoại nhằm trả thù cho u của mình. Trương tuần Long không đồng tình cách đó, gã thở dài nói:

-Nhà cháy chẳng sao, ngộ nhỡ người già trẻ nhỏ thiệt mạng sẽ khiến tội chồng tội, sát nhân giả tử phỏng ích gì.

Không hổ danh con hơn cha, Liễu dùng điển tích xưa để nói việc nay:

-Thầy đừng lo, cổ nhân đã dạy “Xạ nhân tiên xạ mã, cầm tặc tiên cầm vương -Muốn bắt người phải bắn ngựa trước, muốn bắt giặc phải bắt vua”.

 

Không rành chơi chữ, trương tuần Long đoán rằng muốn đánh rắn phải đáng dập đầu, kể ra cũng chẳng sai, nhưng gã dặn con gái cẩn trọng hơn, bởi lão Cử Vinh là kẻ thâm nho khó đoán định, tốt nhất khi gặp người họ Trần hãy tránh xa như gặp hủi cùi. Gã biết rồi đây sóng gió sẽ nổi lên, bởi khi dân làng xôn xao bàn ra tán vào, chẳng đời nào lão anh vợ ngồi yên chịu nhục. Chơi dao có ngày đứt tay, trương tuần Long hiểu và chấp nhận, gã quyết không dĩ hoà vi quý bỏ qua những gì lão Cử Vinh đã làm với vợ mình. Uống rượu và ăn bún xong, trương tuần Long rảo bước qua chùa có chút việc trước khi lội ruộng, người ta nói hết quan thì hoàn dân, với gã chức trương tuần chẳng phải quan cách gì, xét ra chỉ là dạng thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Không tiếc vị trí đó, thay vì cầm thước lim, giờ gã cầm cuốc, cầm cày lo cuộc sống gia đình. Vừa bước qua cầu đá, trương tuần Long gặp người em rể lững thững đi lại gần, vốn chẳng thích lũ nhiều chữ nhưng gã vẫn chậm bước khi thấy em rể rảo bước cho kịp. Khi hai người sánh vai nhau, thầy đồ Tăng nói nhanh vì sợ người khác nghe thấy:

-Bác đánh thức con hổ ngủ trong rừng, chẳng sớm thì muộn sẽ được nghe tiếng nó gầm.

-Tôi đếch sợ loại chó sủa hóng, nhẽ nào để nhà họ Trần một tay che cả bầu trời làng Mật.

Bước vào sân chùa, trương tuần Long chỉ thấy chú tiểu đang lúi húi lau dọn còn sư Thiện Tâm chưa thấy đâu. Dường như biết được mục đích của khách, chủ tiểu lễ phép nói:

-Bẩm ông, sư phụ con đi vắng vài ngày, chắc mười tư sẽ quay về.

 

Thấy những lời nói của mình khiến sư Thiện Tâm phải rời chùa, trương tuần Long mỉm cười vì biết mụ vợ sớm được giải thoát khỏi sự giam cầm của mấy tay người Thổ. Yên tâm được một việc, gã nhanh chóng ra đồng làm việc như một người nông dân thực thụ. Dẫu mụ vợ kín tiếng, nhưng đã có lần khoe về kho báu cùng những tuyệt kĩ võ công của người họ Trần, bởi vậy gã không nhầm khi chọn mặt gửi vàng để sư Thiện Tâm đi lên mạn ngược cứu vợ mình một chuyến. Chẳng cần suy tính nhiều, gã biết nếu mụ vợ về làng, lão Cử Vinh khéo hộc máu mồm vì uất. Chăm chỉ làm ruộng không chút nề hà, dẫu ít học nhưng gã biết rõ câu dĩ thực vi tiên, bởi nếu không có hạt gạo đổ vào mồm, đói rã họng chẳng mong ai giúp đỡ. Buổi tối ngồi ăn cơm ngoài hiên cho mát, nhìn bầu trời xám xịt gã biết năm nay thời tiết không thuận, nếu nhà nào chẳng có sẵn bồ thóc, chẳng may đến kì giáp hạn là xoay như chong chóng. Tiếng sáo diều từ trên cao vọng xuống, không cần ngước nhìn gã biết là diều của cụ lang Dân, bởi cả làng chỉ có mình cụ vừa bốc thuốc cứu người vừa mê mải làm sáo diều. Ngày trẻ cụ hay lên triền đê thả diều, giờ già rồi nên việc thả diều cụ nhường cho người con trai, tay đó vừa thay gã làm trương tuần nên người làng gọi là trương tuần Minh. Uống thêm chén rượu ngâm đinh lăng, trương tuần Long ngủ ngay trên chõng tre kê ở hiên nhà cho thoáng, ngắm bầu trời nhiều ngôi sao mờ tối, gã ước một ngôi sao rụng xuống tương ứng với vận mạng lão Cử Vinh là tiên chỉ của làng.

Bình luận