Chapter 38

icon
icon
icon

Từ sớm cụ Cử Vinh đã đóng bộ ra đình làng, hôm nay đúng ngày hoá của Đức Thành Hoàng nên làng làm cỗ. Hương ước của làng đã qui định, 3 năm sẽ làm một cỗ to, các năm còn lại làm cỗ thường. Sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, điều khiến cụ mừng nhất bởi họ Trần phúc lộc dồi dào, chưa kể năm nay không có lão bếp Tình đứng bồi tế khi cụ đứng ngôi chủ tế. Nhổ được cái gai trong mắt khiến cụ như trẻ ra vài tuổi, nhưng còn cái dằm vẫn khiến cụ khó chịu, cái dằm chính là gã em rể bất trị. Dù đã bị biếm khỏi chức trương tuần, tuy nhiên gã em rể cụ vẫn như con chim lợn tung tin thất thiệt khiến nhiều người hoang mang. Tạm thời để cho kẻ tiểu nhân đắc ý một thời gian, cụ muốn gã đó phải trở thành kẻ vong gia thất thổ chẳng nơi nào chứa chấp. Khi những suất đinh của làng phân thứ tự ngồi vào những tấm chiếu đậu, là tiên chỉ của làng nên ngoài việc ngồi nơi cao nhất được trải chiếu hoa, cụ Cử Vinh còn được dành riêng một cái sỏ lợn do tay mõ đặt trên mâm đội về tận nhà giao cho bà vợ ba. Đợi cụ Chánh Nhung nhấp môi vào chén rượu, cụ Cử Vinh than phiền dạo này phong hoá của làng không được tốt, chẳng riêng làng Mật, nhiều làng trong tổng như có bóng dáng của hội kín hội hở.

 

Vừa đánh chén cụ Chánh Nhung vừa gật đầu đồng tình với nhận xét trên, bởi hiện nay quan huyện đã đôn đốc ký trưởng các làng tăng cường giám sát những kẻ tình nghi, đặc biệt là người nơi khác đến. Thậm chí bên sở cẩm luôn có người để dò la tin tức, thà dập tắt đốm lửa còn hơn để nó bùng phát thành đám cháy lớn. Cụ Cử Vinh vừa nói chuyện vừa mời cụ Chánh Nhung thưởng thức món gỏi cá trứ danh của họ Trần, tuy là cỗ làng không có món này, nhưng cụ đã nhắc bà vợ ba chế biến chỉ dành cho mâm các cụ kì hào lý mục được thêm phần gắp rót. Vốn quen lấy tĩnh khắc động, lấy nhu thắng cương, tuy nhiên cả tháng nay cụ như ngồi trên đống lửa, những tin đồn được thêu dệt bắt nguồn từ gã em rể hỗn láo đã lan ra khắp làng trên xóm dưới. Giá kể lão Tân chẳng bỏ làng đi biệt tích, cụ giao lý Hoà gông cổ trương tuần Long giải lên quan tội áp đáo tại gia với mưu đồ giết người diệt khẩu. Đúng như người ra nói chẳng có nữa sao có khói, việc xử em gái theo gia pháp nhưng bị đám điêu dân đồn thổi vô căn cứ, điều này khiến cụ thấy khí tiết nhà nho của mình bỗng dưng lấm bùn.

 

Bữa đánh chén nơi đình làng không chỉ bởi miếng ăn, cụ biết thằng bồi bếp cho Phú Lang Sa hiện ngồi nhà uất hộc máu bởi chẳng ai ngó ngàng đến, riêng khoản dám mò mặt ra đình dây máu ăn phần, tay trương tuần Minh đã được dặn trước, nếu thấy xuất hiện hãy phang đòn càn khỏi cần xin ý kiến, tội vạ đâu cụ chịu. Khi gần tàn cuộc rượu, cụ Cử Vinh khảng khái nói:

-Đức Thành hoàng làng Mật là bậc anh hùng nên các triều đại nối nhau sắc phong là Thượng đẳng phúc thần, tự dưng có thằng bồi bếp chen vào khiến ngài ngứa mắt, rất may ngài đã hiển linh trước ngày giỗ tôn ti trật tự đã được lập lại.

Cụ Chánh Nhung ngó sang bên cạnh đã thấy thằng mõ bày bàn đèn liền vuốt râu đáp lời:

-Chuột phải rúc trong hang, chó canh ngoài sân, trâu kéo cày ngoài ruộng,

còn lũ quạ ma đậu trên cành cây gạo, cụ tiên chỉ nói chí phải.

 

Cụ Cử Vinh tửu lượng cao nhưng chưa bao giờ quá chén, đáng uống 5 chén cụ chỉ uống 3 chén, hôm nào mệt đủ sức uống 3 chén, cụ sẽ nhấp môi một chén gọi là. Thói đời những kẻ hay rượu vào lời ra thường sức uống đôi chén nhiều khi tu cả chai, loại phàm phu tục tử thường dính hoạ từ mồm nên chẳng biết trách ai. Ngồi bên mâm rượu cùng cụ Chánh Nhung, tự dưng cụ thoáng buồn vì thấy chánh tổng còn minh mẫn và khoẻ hơn xưa, như vậy lý Hoà phải đợi thêm vài niên nữa. Năm xưa cụ từng đọc sách thấy triều đình diễn giải về tỉnh Bắc Ninh quê nhà Bắc là phía Bắc thành rồng - Ninh là yên ả một lòng vì dân”.Quả thực nếu không có một vài thành phần phá ngang, làng Mật nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung sẽ yên ả biết bao. Ngạc nhiên khi chưa đến mùa gặt nhưng lúa xanh rải phơi đầy ngõ, thậm chí vào cả trong sân, cụ Cử Vinh chưa kịp hỏi đã thấy bà vợ trẻ trình bày:

-Các cụ nói xanh nhà hơn già đồng, tôi nghiệm ra thời tiết này nếu không gặt và phơi thóc sớm, khéo chỉ sau một đêm là mất trắng.

 

Vốn không bận tâm đến việc cấy hái, cụ Cử Vinh tin tưởng vào sự sáng suốt của vợ, sau đận một lúc bị hại chết hai con trâu, cụ thấy gặt lúa sớm còn hơn mất trắng vài mẫu ruộng đến kì thu hoạch bởi thiên tai. Trâu chết do nhân tai, khéo chẳng thiệt hại bằng thiên tai, nhưng khi cả hai kết hợp, nó gây hậu hoạ khôn lường. Ngồi trong nhà nhì ra ngoài sân nắng chói chang, cụ biết chỉ vài bữa là số thóc khô nỏ rồi được xúc vào bao tải hoặc cho vào bồ, nhà nông coi hạt gạo quý hơn vàng, bởi đúng như câu “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, dù chưa từng lội ruộng như nông dân, vốn sinh ra và lớn lên ở làng, cụ thấu hiểu nỗi vất vả một nắng hai sương của bà con nông dân. Chưa từng dùng lời đao to búa lớn, khi con trai ra làm lý trưởng, cụ chỉ nhắc đừng đè nén bóp nặn dân đen, nếu không đẩy thuyền là họ và lật thuyền cũng là họ. Chưa muốn ngả lưng nghỉ trưa, cụ Cử Vinh lấy chiếc giẻ lau tự mình làm sạch chiếc đỉnh bạc cùng con rồng bằng đồng tam khí. Thoạt nhìn hai món đồ này chẳng có gì đặc biệt, tuy nhiên nó ẩn chứa nhiều bí mật không người nào biết được.

 

Kho báu nhà họ Trần muốn mở được phải có hai chìa khoá do chi trưởng và chi thứ nắm giữ, thiếu một trong hai chìa khoá đó người còn lại chẳng thể mở được. Sở dĩ khi xưa cụ tổ Hanh quận công phải làm vậy, bởi cụ chứng kiến sự tranh quyền đoạt vị của đám con vua cháu chúa. Hiện nay đại diện chi trưởng cầm chìa khoá là sư thiện tâm, chìa khoá còn lại thuộc chi thứ do cụ nắm giữ, như vậy phải có mặt hai chú cháu, lúc đó cửa vào kho báu mới mở ra. Không giống hình dung của những kẻ gian tham, gọi là chìa khoá cho dễ hiểu nhưng không hẳn là chìa khoá, bởi chính con rồng cổ được đúc bằng đồng tam khí có từ thời “Vĩnh Lạc thập cửu niên tuế”,  tức đời vua Minh Thái Tông năm thứ 19 bên xứ Tàu là chìa khoá của chi thứ. Với chìa khoá do chi trưởng nắm giữ, cụ đoán chắc đó là một hổ bằng bạc, bởi nó ứng với câu “tả thanh Long hữu bạch hổ”, còn vì sao con rồng không phải là thanh long, nhất thời cụ chưa nghĩ ra. Sở dĩ đận trước cụ phải xử nặng tay với bà em gái là có nguyên do, vì long tham không đáy nên thị Bàng định mang đỉnh bạc cùng con rồng quý đi bán để nhận về những đồng bạc Đông Dương. Tội trộm cắp vặt trong nhà có thể tha, nhưng trộm bảo vật dùng mở kho báu sẽ không được dung thứ. Sở dĩ cụ không cất con rồng vào nơi bí mật chẳng ai tìm thấy, bởi theo như gia phả để lại có ghi, số phận con rồng phải ba chìm bảy nổi mới linh, riêng còn bạch hổ luôn ở gần tiếng chuông chùa. Thời gian hơn 200 năm trôi qua, cụ Cử Vinh giật mình bởi người xưa liệu việc như thần, sư Thiện Tâm hiện trụ trì Linh Sơn cổ tự, như vậy bạch hổ đương nhiên ở trong khuôn viên của chùa hàng ngày nghe tiếng gõ mõ tụng kinh và tiếng chuông chùa ngân vang.

 

Ngồi bấm đốt ngón tay, năm Ất Dậu 1945 là thời điểm mở kho báu tiếp theo sắp đến, cụ sợ nếu bỏ qua, khéo đến kì mở tiếp theo cụ chẳng con sống để chứng kiến. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, năm Ất Dậu cụ sẽ được con cháu họ Trần tổ chức lễ mừng thọ tuổi 70, khi đó cụ vào tuổi “quan bất nhiễu, dân bất phiền” và sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng, nếu không mở kho báu, cụ phải trao lại con rồng “Vĩnh Lạc thập cửu niên tuế”, cho một trong hai người con trai. Theo lẽ thường cả Hiển là trưởng sẽ tiếp nhận, tuy vậy cụ biết ông con trưởng làm việc gì đều nhất mực nghe vợ, như vậy nếu sau này cụ trăm tuổi, biết đâu con rồng quý chẳng được ông con trai giao tận tay vợ, như vậy kho báu về tay họ khác. Ngược lại nếu giao cho lý Hoà, cụ chẳng yên tâm hơn được là bao, riêng việc ông con trai nói chuyện với bọn mật thám trên sở cẩm về làng đủ khiến cụ xốn mắt, chưa kể trong nhà còn tậu cái đồng hồ Phú Lang Sa to như cái khám thờ rồi gõ chuông bíng boong cả ngày lẫn đêm khiến cụ ghét. Đang miên man theo dòng suy nghĩ, thấy vợ bưng bát chè sen đặt lên bàn, cụ Cử Vinh liền hỏi:

-Mình nói thật nhé, cả Hiển hay lý Hoà là người có thể gánh vác được việc canh giữ kho báu của tổ tiên họ Trần.

Bà ba Xoan thở dài nói ngay:

-Tôi xem ý mình có vẻ chẳng tin tưởng hai người con trai, khéo việc này sẽ đến tay hai thằng bé là Trần Mạnh Đạt và Trần Mạnh Nhiên không chừng.

Cụ Cử Vinh nghe xong liền cười ha hả, bởi mải nghĩ về hai ông con trai nên quên mất còn hai thằng cháu nội, cụ sang sảng nói:

-Có vậy mà tôi chửa nghĩ ra, đúng là mình già thật rồi.

Bình luận