Chapter 6

icon
icon
icon

Từ ngôi chùa làng trở về, thầy đồ Tăng đã thấy vợ bế cháu ngoại ngồi đợi bên mâm cơm đậy lồng bàn, cậu con trai ngồi đọc sách ngay cạnh ngọn đèn dầu Hoa kì. Không giống nhiều đàn ông làng Mật có con đàn cháu đống, nhà thầy có cô con gái lớn xuất giá khi vừa tròn 16 tuổi, bây giờ bước sang tuổi 21 đã có hai mặt con nếp tẻ đủ cả, cậu con trai tuổi 14 đang học trường huyện. Không học theo tiền nhân có chút bát ăn bát để phải thêm bà nữa, thầy vẫn sống cùng vợ chẳng tơ tưởng đến ai, mặc dù chính vợ thầy có đôi lần ướm hỏi  để đội mâm cau đi lấy lẽ cho chồng. Bà đồ Tăng xới cơm từ liễn ra bát rồi nhẹ nhàng thông báo:

-Bác Long vừa qua nhà để gặp thầy nó, ý bác dạm hỏi giật tạm mấy chục đồng bạc để lo chạy chức phó lý.

 

Dù trương tuần Nguyễn Văn Long là anh vợ, tuy vậy thầy đồ Tăng không có chút cảm tình vì thói hống hách còn hơn cả tay lý Hoạch. Hiện đang là trương tuần đã như vậy, nếu dự chân phó lý sẽ bóp nặn dân lành khiến mọi người khốn khổ. Trong thời buổi giao thời, đến đứa trẻ lên 10 đã biết tiếng Pháp cũng như đọc thông viết  thạo chữ quốc ngữ, trương tuần Long chỉ thuộc mặt chữ ở mức vừa phải, nhưng đầu óc toàn mưu ma chước quỷ. Từ chối thẳng sẽ bỉ mặt anh vợ, nếu nhận lời cho mượn tiền sẽ tiếp tay cho cái ác, đó không phải là đạo của người quân tử. Xơi xong bữa cơm, thầy đồ Tăng chậm rãi nói:

-Tiền cho bác Long mượn thì không có, nhưng nếu bác được làm phó lý, nhà mình xin góp con lợn 70 cân để làm cỗ khao làng.

 

Quý mếnanh trai và mong họ Nguyễn mở mày mở mặt, tuy thế bà đồ Tăng chẳng dám phật ý chồng, bởi khi được gả về nhà họ Tống, bà thấu hiểu tam tòng tứ đức. Làng Mật từ xưa họ Lê nhà ông lý Hoạch, họ Trần nhà cụ Cử Vinh và họ Tống nhà chồng bà thay nhau làm chánh tổng, lý trưởng và phó lý. Anh trai bà đang là trương tuần nên mong muốn dự hàng chức sắc chẳng có gì sai. Nói một cách công bằng, họ Nguyễn ở làng khác còn làm ông nọ bà kia, sống ở làng Mật chẳng có cơ lên được. Tạm để chuyện của anh trai qua một bên, bà đồ Tăng nghĩ đến câu gái thập tam nam thập lục, còn 2 năm nữa con trai bước vào tuổi 16 nên việc tính đến sự yên bề gia thất bắt đầu. Hiện thời bà đang nhắm con bé Nết là cháu nội cụ Cử Vinh, như vậy smôn đăng hộ đối. Có một điều bà đồ Tăng biết nhưng chẳng dám nói, chồng bà khi còn là nho sinh xém chút nữa là rể họ Trần, rất may việc đó không thành. Chị dâu Trần Thị Bàng từng được mai mối, ngày đó cụ Cử Vinh phản đối không cho em gái lấy Tống Hiên Tăng nên việc chẳng thành. Hồi chưa xuất giá bà được nghe kể, sư trụ trì là cháu ruột cụ Cử Vinh học cùng chồng bà, do vậy cụ không đồng ý bạn học của cháu trở thành em rể. Phản đối quyết liệt dù hai họ Tống Trần có nhiều mối lương duyên, cuối cùng anh ruột bà là người hưởng lợi. Bà đồ Tăng nhiều lúc ngẫm nghĩ, nhờ sự phản đối của cụ Cử Vinh khiến anh trai được làm rể họ Trần, cònbà được về làm dâu họ Tống. Tự nhiên bà có sự liên tưởng mơ hồ, hơn hai chục năm trước chồng bà định làm rể họ Trần nhưng không thành, ai ngờ con trai Tống Hiên Bình sắp nối gót cha nếu bà đánh tiếng kết tình thông gia với nhà ông Trần Mạnh Hiển. Đợi con trai gấp quần áo đi ngủ sớm để ngày sáng mai lên huyện học, bà đồ Tăng nói nhỏ:

-Lấy vợ xem tông, tôi nhìn khắp làng trên xóm dưới chỉ thấy ưng con bé Nếp nhà bác Trần Mạnh Hiển, con bé là cháu nội cụ Cử Vinh.

-Việc này chưa vội, mình để tôi suy nghĩ thêm.

 

Có những việc cần quên, có những chuyện đừng nên nhớ sẽ tốt hơn. Dù sinh ra trong gia đình có nhiều người làm chánh tổng và lý trưởng, thầy đồ Tăng vẫn không lấy thế làm tự hào. Thân phụ của thầy xưa là chánh tổng của tổng Đỗ Xã, cách đây vài năm huynh trưởng là Tống Hiên Thanh giữ chức lý trưởng cho đến khi Lê Hoạch lên thay. Dù huynh trưởng chỉ là lý cựu, tiếng nói của những người họ Tống vẫn còn trọng lượng. Ngày xưa khi thân phụ còn đương chức chánh tổng, việc kết tình thông gia với cô thôn nữ Trần Thị Bàng được tính đến. Xét về thân thế hai nhà ngang nhau, cô Bàng là con bà vợ lẽ của cụ Phó Bảng và kém Tống Hiên Tăng 5 tuổi, nếu tính ra là đẹp đôi vừa lứa. Những tưởng sẽ được sêu tết nhạc phụ nhạc mẫu họ Trần, nào ngờ phút cuối người con thứ hai của quan Phó Bảng đã phản đối. Vẫn biết cụ Cử Vinh chẳng thù oán gì họ Tống, nguyên do vì thầy học cùng cháu ruột của cụ nên thành em rể sẽ cực dở. Không ai nắm tay đến tối, cụ Cử Vinh phản đối xong được ít lâu, chính cụ lấy con gái của bạn học làm vợ, điều này khiến thầy đồ Tăng không phục.

 

Ngồi trong nhà nghe tiếng những người tuần đinh đi bên ngoài, sau đó là tiếng chó sủa, thầy đồ Tăng bước ra mở cổng khi nghe có tiếng gọi. Chẳng thích sự xuất hiện của người anh vợ, nhưng một ngày hai lần ghé thăm là phải có việc quan trọng nên thầy đồ Tăng mời vào nhà nói chuyện. Dựng cây thước bằng gỗ lim dài hai thước ta vào cột nhà, trương tuần Long vê thuốc lào rồi châm lửa hút. Dù điếu bát không thích bằng điếu cày, gã biết người em rể ưa lối sống nho nhã thanh cảnh nên không thích lối phàm phu tục tử, bình thường gã chẳng mấy khi sang chơi do không hợp tính. Ngửa cổ nhả khói sau đó đưa tay đón chén trà, trương tuần Long nói ngay:

-Hồi sáng tôi có nhắn việc giật tạm vài chục bạc lo việc lớn, nhưng giờ nghĩ lại thấy cô chú chắc không dư dả gì, thôi để tôi xoay chỗ khác đừng bận tâm.

Thầy đồ Tăng lễ phép thưa chuyện:

-Vâng bác dạy chí phải, nhà em không sẵn từng đó tiền, nhưng con lợn 70 cân trong chuồng sẽ dành cho hôm bác làm lễ khao làng.

Biết giờ này trong nhà chẳng còn ai, trương tuần Long hỏi nhỏ:

-Chú từng học cùng tay trọc đang trụ trì chùa làng, vậy đã bao giờ nghe tay đó hé răng về kho báu chôn trong chùa chưa.

Nếu tính  về tuổi đời, trương tuần Long kém thầy đồ Tăng và sư Thiện Tâm những 7 tuổi, nhưng gã cậy là anh vợ nên ăn càn nói rỡ khi gọi vị sư trụ trì đáng kính là tay trọc. Dù xét về vai vế, trương tuần Long lấy bà cô ruột của sư Thiện Tâm, nhưng kiểu ăn nói xách mé vẫn khiến thầy đồ Tăng khó chịu nên từ chối đề cập đến chuyện kho báu. Ngồi độc thoại mãi đâm nhạt chuyện, trương tuần Long xách thước ra điếm canh đê, gã không quên căn dặn người em rể:

-Con lợn 70 cân nếu cô chú có lòng, đến ngày làm cỗ anh sẽ sai đám tuần đinh khiêng về mổ để làm lễ khao làng.

 

Trên đường ra điếm canh đê có hai con đường, nhanh nhất qua cổng nguyệt là tới nhưng phải qua bãi tha ma khiến mọi người đều hãi. Chẳng cần nhìn thấy hồn ma bóng quê, riêng việc thấy quạ đậu trên cây gạo đủ khiến dân làng hồn xiêu phách lạc. Vốn là người cứng bóng vía, trương tuần Long tính đi lối cổng nguyệt nhưng chẳng hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, gã bước qua cầu đá sang thôn Đoài nên sẽ đi xa hơn. Ngắm cây thị cổ thụ trong sân chùa im lìm soi bóng, tự dưng gã giật mình nhớ ra một chuyện hệ trọng. Đêm hôm qua khi cùng Thanh lé mò vào phòng đặt kinh sách để tìm bản đồ kho báu nhưng toàn thấy chữ nho nên gã không đọc được. Trong cơn bực tức, gã ném ngay chiếc đèn dầu vào những hòm sách nên gây ra vụ hoả hoạn. Do chủ quan không bịt mắt, gã bắt gặp ánh mắt của chú tiểu nhìn mình cùng tên Thanh lé vì thế có phần bất lợi. Trẻ con thường không biết nói dối, biết đâu sau này khi lên chức phó lý, nhiều khi lại chết bởi một lời tố giác vu vơ. Không vội ra điếm canh đê, trương tuần Long rẽ về hướng ngôi chùa làng. Hay cùng vợ ghé chùa Mật nên gã biết, giờ này sư trụ trì đang gõ mõ tụng kinh ở trước ban tam bảo, còn chú tiểu nếu không ngồi học chữ ở dãy nhà ngang sẽ chơi đùa cùng con chó ở ao sen phía sau chùa. Không cần trèo tường, trương tuần Long đi men theo rặng tre rồi vào chùa từ nơi có cả trăm ngôi bảo tháp lớn nhỏ. Dưới ánh trăng chênh chếch, bóng của kẻ đột nhập hắt xuống lối đi nhỏ dẫn ra ao sen, lúc này trương tuần Nguyễn Văn Long như hiện thân của ma quỉ hiện hình.

Bình luận