Cả làng Mật rúng động vì ngôi chùa làng hay còn gọi là Linh Sơn cổ tự liên tiếp xảy ra chuyện không may. Nếu như vụ hoả hoạn thiêu rụi dãy nhà ngang chỉ thiệt hại về của, vụ chú tiểu sa chân rơi xuống ao sen rồi chết đuối khiến mọi người thương cảm. Cỗ quan tài đóng vội từ mấy mảnh gỗ đặt ngay ở nền của dãy nhà ngang, dẫu sao các trai đinh đã kịp lợp mái lá gồi nên chưa trát vách vẫn có chỗ để các bà vãi già ngồi tụng kinh nhằm siêu linh tịnh độ cho người vắn số. Trong lúc trụ trì Thích Thiện Tâm đang ngồi gõ mõ tụng kinh, ngay cuối vườn có bốn trai đinh đào hố để chiều hạ huyệt. Thầy đồ Tăng hết đi xuống cuối vườn xem xét lại quay lên dãy nhà ngang thắp thêm nén hương trước bài vị của chú tiểu Minh Tâm. Xét về quan hệ họ hàng, tiểu Minh Tâm hay có tên là Tống Hiên Hào gọi thầy đồ Tăng là ông trẻ. Do thấy con trai thông minh lanh lợi nhưng thích sống ở chùa, bố mẹ đã đưa Hiên Hào đến gặp sư Thiện Tâm để xin làm đệ tử. Cuộc đời vốn vô thừa, ai ngờ thằng bé tu tập được vài năm đã xảy ra chuyện, nỗi đau khiến mọi người không thốt thành lời. Khi hoàng hôn buông xuống, sư Thiện Tâm ngắm nhìn ngôi mộ vừa đắp còn nghi ngút khói hương của đệ tử với nỗi buồn da diết. Minh Tâm được nương bóng Phật môn tính ra gần 5 năm, tình thầy trò gắn kết nhưng giờ âm dương cách biệt. Ngồi gõ mõ tụng kinh cùng các bà vãi để giúp người đệ tử vãng sanh miền cực lạc, hình ảnh chú tiểu cầm chổi quét sân chùa rồi vui đùa cùng chú chó giờ chỉ còn trong kí ức.
Khi hai cánh cổng chùa đóng lại, sư Thiện Tâm ngồi thiền ngay trước ban thờ tam bảo để suy nghĩ cho thấu đáo. Việc một đứa trẻ 12 tuổi chết đuối vốn chẳng phải chuyện hiếm, giá kể là con nhà có máu mặt sẽ bị đám chức dịch của làng gây phiền nhiều, thậm chí còn kinh động tới quan huyện. Tuy nhiên khi vớt được tiểu Minh Tâm dưới ao sen, việc khai báo và tổ chức tang lễ được tiến hành thuận lợi. Giờ đây đệ tử đã mồ yên mả đẹp, vị trụ trì bắt đầu xâu chuỗi sự việc lại với nhau để xem xét. Nếu nói tiểu Minh Tâm chết đuối là điều hết sức vô lý, bởi cậu bé giỏi bơi lội không thể ngã xuống ao sen rồi chết. Vốn tinh thông nho y lý số, sáng nay khi vớt tiểu Minh Tâm từ ao sen lên bờ rồi thay bộ quần áo sạch để khâm liệm, thấy đệ tử có vết hằn rất rõ ở gáy, sư Thiện Tâm biết điều đó chứng tỏ kẻ thủ ác ra tay tàn độc rồi ném tiểu Minh Tâm đang bất tỉnh xuống ao. Nhìn đòn hiểm của kẻ thủ ác, sư Thiện Tâm chỉ biết nén tiếng thở dài thương cho người đệ tử vắn số. Tuy nhiên không muốn kéo dài nỗi đau khi tang chứng, vật chứng không có, vị trụ trì chẳng đi báo quan bởi điều đó chẳng giúp đệ tử sống lại. Nhớ lời cảnh báo của thúc phụ và người bạn học cũ, sư Thiện Tâm thương chú tiểu Minh Tâm do nhìn thấy mặt những kẻ ác nhân, chẳng ngờ chúng manh động giết người diệt khẩu. Sau những gì vừa xảy ra, chắc chăn những kẻ tham tàn không dừng tay cho đến khi tìm được nơi chôn giấu vàng bạc, như vậy gian chính điện trước sau gì sẽ bị bọn chúng phóng hoả. Hoạ đến thì khó tránh, sư Thiện Tâm tự hỏi mình có thể làm gì, khi tin tức về kho báu lan ra, ngoài đám chức dịch của làng còn có những toán cướp sẽ tìm đến, như vậy hoạ không ngớt.
Việc dân làng đồn về kho báu chẳng sai, ngày xưa cụ tổ Hanh quận công được Chúa An Đô Vương Trịnh Cương sai giám sát miền biên viễn, nơi có nhiều mỏ vàng mỏ bạc. Ngày đó trong lúc tầng lớp sĩ phu Bắc Hà mải lập thân nơi cửa Khổng sân Trình, hầu hết những mỏ kim loại quý đều do đám thương nhân người Hánđứng ra khai thác. Những gia tộc lớn đều về bên cố quốc thuê phu mỏ nên người dân sở tại chẳng bén mảng được tới, có thời kì người Hoa tập trung đông tới cả vạn người nên Chúa Trịnh Cương phải cử quan binh tới kiềm toả. Cụ tổ Hanh quận công đã dâng tấu về xin hạn chế các mỏ tuỳ theo quy mô chỉ được nhận từ 100 cho đến 300 dân phu. Ngoài số kim ngân bạc thỏi thu được nộp về triều đình, cụ tổ đã tích cóp thêm một phần không nhỏ, thậm chí có những báu vật do đám chủ mỏ người Hán biếu xén. Dù thời đó dòng họ Ái Tân Giác La thay nhau ngự trên ngai vàng, những chủ mỏ giàu có đều là người Hán bởi con cháu hàng ngũ bát kì không rành việc đó.
Sư Thiện Tâm nhớ rõ, trong những cuốn sổ ghi chép về cụ tổ của dòng họ có sự kiện khó quên, có thời kì nhà Thanh cắm mốc giới lấn sang Đại Việt tới 40 dặm và chiếm luôn mỏ đồng Tụ Long của châu Vị Xuyên ở trấn Tuyên Quang. Vâng mệnh chúa Trịnh Cương, cụ tổ Hanh quận công đã đấu tranh cùng với tổng đốc Vân Nam – Quý Châu là Ngạc Nhĩ Thái để đòi đất. Sau này vua Ung Chính đã căn cứ vào bản tấu của tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái để trả lại 40 dặm đất cho Đại Việt bao gồm mỏ đồng Tụ Long. Dù chính sử không nhắc đến, nhưng trong sổ sách ghi chép của dòng họ Trần đã ghi rõ, cụ tổ Hanh quận công đã nhận được một báu vật do những thương nhân người Hán trao tặng, nó khiến bậc vua chúa phải phát thèm và muốn sở hữu. Do người Hán dù mất nước vẫn không phục, họ thà trao tặng báu vật cho vị quận công xứ Đại Việt còn hơn dâng lên vua Ung Chính lúc bấy giờ. Vàng bạc nhà giàu nào chẳng có nhưng báu vật sẽ mang trong mình cả một giai đoạn lịch sử không phải muốn là có được. Với những kẻ lục lâm thảo khấu, sư Thiện Tâm biết bọn chúng chỉ cần có vài thỏi vàng là đủ, báu vật khéo để trước mặt cũng chẳng biết.
Đi chợ làng thấy có mớ cá mè còn giãy đành đạch, bà Bàng mua ngay bởi dân làng chê cá mè tanh nên bán rẻ như cho. Với loại cá nhiều xương ít thịt, nếu không biết chế biến chỉ tốn công chẳng ai ăn, với bà lại khác hẳn. Vốn là con gái họ Trần, bất kể đám giỗ nào dù thịt gà, thịt lợn không thiếu, nhưng vắng món gỏi cá sẽ bị các cụ nói là kém sang. Gỏi cá nhiều người biết làm, nhưng làm ngon chỉ có đàn bà con gái họ Trần, thậm chí dâu họ Trần làm món gỏi cá mười phần chỉ được tám là giỏi. Sau khi bị anh trai từ chối cho vay 100 đồng bạc Đông Dương, thêm việc không chịu hé răng về kho báu của dòng họ, bà mượn cớ khóc hờ để làm loạn trong ngày giỗ cụ tổ là Hanh quận công. Mọi việc có lẽ sẽ kéo dài đến ngày giỗ thân phụ, tuy nhiên bà được anh trai nhờ đứa cháu dâu chuyển lời, nếu tiếp tục có hành động như vậy, cái tên Trần Thị Bàng sẽ bị gạch khỏi gia phả rồi công bố cho cả làng cả tổng. Con gái lấy chồng nhờ phúc cha, thân phụ bà đỗ Phó Bảng thời vua Tự Đức, sau này anh trai bà đỗ Cử nhân thời vua Duy Tân, như vậy gia đình nối dòng khoa bảng. Họ Nguyễn bên nhà chồng bao năm ở làng Mật chưa từng dự chân hào lý, khi bà về làm dâu được nhà chồng nể trọng, giả sử bị xoá tên khỏi gia phả, như vậy tự dưng bà chẳng khác nào kẻ ngụ cư trong làng. Hôm rồi ngẫm lại bà thấm thía câu anh em kiến giả nhất phận, tốt nhất gánh vác giang sơn nhà chồng để hưởng phúc phần. Dẫu chưa xoay đâu được trăm đồng bạc Đông Dương, bà luôn tin chắc chồng mình có ngày được dân làng gọi là ông phó lý. Khoản tiền dù đáng giá thật, nếu mua bát họ nhà cụ chánh Nhung, sau đó giật nóng thêm vài nới chắc bà vẫn đủ tiền mua danh cho chồng.
Sau khi đánh vẩy, dùng muối chà xát toàn thân mấy con cá, bà Bàng để vào rổ cho ráo nước. Cái giống cá mè tanh đến nỗi, chỉ một loáng đã thấy ruồi nhặng bay vo ve như sợ mất phần. Mài qua con dao bài, bà Bàng thoăn thoắt lọc phần thịt cá rồi cắt thành miếng mỏng, riêng chỗ xương bà cho vào cối đá dùng chày giã nhỏ. Làm gỏi cá đòi hỏi sự tỉ mẩn, người nào nóng vội coi như hỏng, do vậy con gái họ Trần đều biết làm gỏi từ lúc lên 10, đến khi xuất giá tuổi 16 đã thành thạo mọi việc nữ công gia chánh. Sau khi giã riềng lấy nước trộn thêm nước vắt từ quả chanh, bà Bàng trộn đều để ướp cá trước khi trộn thính cùng riềng rang cùng hạt tiêu sọ vừa giã nhỏ. Ăn gởi cá không thể thiếu lá sung, mơ long, diếp cá, tía tô, kinh giới, rau mùi, đinh lăng, nếu không coi như hỏng, Chẳng cần nhọc công ra chợ làng, bà Bàng ra vườn hái một loáng đã đầy rổ, khi mọi thứ đã xong xuôi, bà bưng hũ rượu đặt cạnh chiếc mâm gỗ rồi vào đánh thức chồng. Rượu ngon phải có bạn hiền, thằng bé con chạy đi một loáng đã có tay Thanh lé cũng là tuần đinh vác mặt tới. Để cho cánh đàn ông bàn chuyện, bà Bàng gọi con trai vào bếp ăn cơm với canh riêu cua, cái danh bà phó lý khéo chẳng đem lại nhiều bổng lộc, nhưng sống ở làng vẫn thấy mát mặt hơn rất nhiều. Biết chồng chẳng có tài kinh bang tế thế hay học cao tài rộng, chân phó lý nó vừa vặn như đo ni đóng giày nên bà cố giành cho bằng được.
Rót rượu cho Thanh lé, trương tuần Long cho biết hôm nay không gọi đám tuần đinh bởi có đĩa gỏi rồi chống đũa nhìn nhau. Thời tiết đã sang thu mát mẻ, đợi con cho lớn thêm chút nữa rồi mang rơm nếp ra nướng, khi đó tha hồ nhờn mép nhờn môi. Đợi cho Thanh lé xơi thêm bát bún chan canh cá cho đỡ đói bụng, trương tuần Long nỏi nhỏ:
-Mày rượu vào lời ra dễ bị vạ miệng, hãy nhớ sát nhân giả tử nên sống để bụng chết mang theo.
-Bác yên tâm nào dám to gan lớn mật kể chuyện đó cho ai, đến con mẹ đĩ ở nhà cũng tịnh không hé răng.
Rót thêm rượu, trương tuần Long thở dài không biết việc sát hại tiểu Minh Tâm có bị quả báo không. Tối hôm đó gã định dừng tay, chả hiểu sao tóm được tay Thanh lé nên sai tên tuần đinh vào chùa bóp cổ ném tiểu Minh Tâm xuống ao sen. Thanh lé vốn là kẻ chỉ đâu đánh đó, y chẳng hỏi trước sau đã lẻn vào chùa để thực hiện mệnh lệnh. Dưới ánh trăng soi tỏ, trương tuần Long nhìn thấy tên thuộc hạ vung tay vào gáy tiểu Minh Tâm, đòn hiểm ác khiến chú tiểu gục ngã, việc ném xuống ao sen xảy ra trong nháy mắt. Chẳng mảy may tỏ ra ân hận, trương tuần Long cùng Thanh lé xơi món gỏi cá rồi uống gần cạn hũ rượu. Trận đánh chén bắt đầu từ giờ Ngọ đến giờ Thân là chấm dứt, thấy trời nổi cơn giông khiến cả làng tối như đêm ba mơi, trương tuần Long nhắc ngay:
-Thôi mày về chợp mắt đến cuối giờ Dậu vác thước đi tuần.
Xơi đẫy tễ lại uống quá
nhiều, đuổi xong thằng tuần đinh vừa lúc trương tuần Long bò vào nhà ngã vật ngay
nền đất ngủ chẳng kịp leo lên tấm phản lim kê ngay gần đó, lúc này cơn mưa bắt
đầu ào ào trút xuống khiến bầu không khí dịu hẳn sau mấy ngày oi bức. Biết
chồng có chén rượu sẽ ngủ say như chết, bà Bàng mở cơi trầu lấy chút vôi xoa
vào lòng bàn chân, sau đó hai mẹ con hò nhau khiêng vị trương tuần làng Mật lên
phản đỡ bị cảm do hơi lạnh từ nền đất. Ngồi trong căn nhá mái lá đơn sơ, bà
Bàng nghe tiếng mưa, tiếng sấm chớp bên ngoài vọng vào, cộng thêm tiếng ngáy
như sấm của chồng khiến mớ âm thanh hỗn độn. Xuất thân là con quan nhưng bà
không nhiễm thói cậu ấm cô chiêu như đám nam thanh nữ tú trên phố huyện, vào vụ
thu hoạch lúa bà cùng thân mẫu vẫn đi gặt cùng mọi người, việc gieo mạ cấy lúa
đều thạo. Khi thân mẫu về làm vợ lẽ, thân phụ đã cao tuổi và có cháu nội cháu
ngoại đầy nhà, tính ta bà bằng tuổi mấy người cháu ruột là con của người anh
trai hay được dân làng gọi là cụ Cử Vinh. Không được kết tóc se tơ cùng thầy đồ
Tống Hiên Tăng khiến bà thấy nuối tiếc, bởi gia thế họ Tống chẳng những môn
đăng hộ đối, được làm bà đồ vẫn hơn rất nhiều vì các cụ đã nói:
“Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm”
Mọi so sánh đều khập khiễng, chồng bà không hề ngốc nhưng chỉ là kẻ thích ăn thịt uống rượu còn đầu óc nặn cả ngày không nổi một chữ nho nhã. Chức trương tuần hiện nay chẳng hay hớm gì, do không muốn chồng mãi là chân bạch đinh rồi đi phu phen tạp dịch, bà âm thầm bán đồ trang sức để chạy cho chồng vào chức đó. Gái có công chồng không dám phụ, trương tuần ra ngoài hách dịch bao nhiêu, về nhà chưa từng to tiếng quát nạt vợ con, bởi căn nhà dựng toàn cột gỗ dù lợp lá gồi đều do tay bà nên có được. Bà Bàng nén tiếng thở dài, dẫu biết thân phụ trọng nam khinh nữ nhưng chẳng dè kho báu bà chẳng được hưởng chút nào. Do tháng trước vui miệng kể lại với chồng về kho báu, sau đó ít lâu chùa làng liên tiếp xảy ra chuyện khiến bà ngờ chồng có can dự.
Người xưa nói một giọt máu đào hơn ao nước lã, sư Thiện Tâm hiện trụ trì chùa làng là cháu ruột bà, người đánh lẽ là trưởng tộc họ Trần tiếp theo. Dãy nhà ngang cháy còn nói do củi lửa, chú tiểu chết đuối sau đó hai ngày chẳng thể có sự ngẫu nhiên, bà sợ vận đen tiếp theo sẽ gọi tên sư Thích Thiện Tâm vốn người họ Trần. Mặc cho chồng đang ngủ say, bà Bàng đánh thức bắt ngồi dậy để nói chuyện ra ngô ra khoai vì sợ mọi thứ ù xoẹ. Đưa cho chồng bát nước vắt quả chanh cho giã rượu, bà nhìn thẳng vào khuôn mặt đỏ như bát tiết canh của chồng rồi nhẹ nhàng nói:
-Nếu có phải đi giật nóng vài nơi để mình làm ông phó lý tôi cũng chằng từ nan. Tuy nhiên nếu cháu tôi tức sư Thiện Tâm ở ngoài chùa làng có mệnh hệ gì, mình biết họ Trần không bỏ qua.
Trương tuần Long dù chưa tỉnh rượu nhưng vẫn chối đây đẩy:
-Bu mày nghe đứa nào bịa khẩu ra vậy, tôi nọc ra đánh cho tuốt xác tội ăn đứng dựng ngược.
-Chẳng có ai rỗi hơi đi dựng chuyện, đó là tôi nhắc mình trước kẻo lại trách.
Bình luận