Chapter 9

icon
icon
icon

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên mưa cả đêm kèm tiếng sét kinh hoàng khiến nhiều người sợ hãi vội chui xuống gầm giường, mấy nhà nghèo đông con chỉ biết rải ổ rơm nằm cho đỡ lạnh và mong gió đừng thổi mạnh kẻo bay luôn túp lều. Nhiều nhà chưa kịp đi ngủ đã bì bõm lội trong nước còn lũ gã vội đậu hết trên cành ổi xoã cánh chống chọi với cơn mưa không ngớt. Duy nhất ngôi chùa Mật cùng đình làng ở khu đất cao ráo nên chẳng bị ngập, ngoài ra mọi nơi đều mênh mông bể sở khiến việc đi lại giữa các thôn bằng thuyền thúng hoặc bì bõm lội trong làn nước lạnh giá. Gần sáng khi trời ngớt mưa, trong lúc cánh phụ nữ lo kiếm củi khô nấu ăn, cánh đàn ông nhiều người rủ nhau đi bắt cá rô rạch trên đường làng. Chẳng cần nơm để úp, mỗi người đeo cái giỏ dùng tay không vẫn bắt được đầy giỏ về làm bữa cho cả nhà. Cá không từ trên trời rơi xuống, nó theo con nước từ đầm tràn lên đường rồi mắc lại, cả làng Mật từ trẻ con đến người lớn đều đi bắt cá sợ nước rút nó sẽ trôi về các hồ ao. Nhìn cánh đồng lúa ngập sâu, những người nông dân một nắng hai sương như ngồi trên đống lửa, việc chống úng gần như không thể bởi đâu đâu cũng chỉ thấy một màu trắng xoá, chiếc gầu sòng có múc nước rồi chẳng biết đổ đi đâu. Nỗi lo về việc mất mùa lại hằn sâu trên những khuôn mặt lam lũ, tiền sưu thuế rồi trăm khoản chi đều troing cả vào đó, cái đói như bóng ma hiện hiện hữu đè nặng tâm can người nông dân.

 

Không bận tâm đến thú vui bắt cá của bà con dân làng, cụ Cử Vinh dậy sớm thưởng trà đọc sách. Giống như ngôi từ đường họ Trần cách đó vài trăm bước chân, ngôi nhà ba gian hai chái của cụ tuy chẳng rộng rãi nhưng được dựng trên nền đất tôn cao, dù nước ngập vào đến sân, trong nhà vẫn khô ráo chẳng lo chạy đồ. Do nhà bếp bị ngập, sáng sớm con bé Lượm xin phép cụ đun nước pha trà ngay ngoài hiên, chẳng ưng bụng nhưng cụ đành gật đầu bởi như người xưa đã nói “lút cả làng cùng lụt”. Hái vội mớ rau muống trong ao, bà ba Xoan nhắc con bé Lượm cho lợn gà ăn còn bà đội nón khoác áo tơi bì bõm lội ra đầu làng. Làm dâu làng Mật nên bà nắm rõ, chút nữa nhiều người bắt được tôm cá sẽ mang ra đó bán, trời mưa gió nên việc mua bán thoáng hơn. Người cần bán lấy tiền đong gạo, người cần mua để nhanh chóng quay về nhà lo việc, chẳng ai rảnh đến mức cò kè bớt một thêm hai. Chẳng nề hà cái danh bà Cử, việc quan trọng hiện nay là mua thức ăn cho cả nhà dù vợ chồng hai Hoà đã xin ăn riêng. Bà nhẩm tính nếu mua được con cá chép sẽ om dưa, mua được mớ cá rô đồng sẽ gỡ xương nấu canh cải, riêng mớ tép hay tôm đồng, bà sẽ làm mắm ăn dần. Đi một vòng quanh chợ đầu làng, bà ba Xoan mua được mớ cá rô còn tươi và mớ tép về làm mắm và dành một chút kho khế như dự định. Có một điều bà thấy tiếc, do trời mưa gió nên chẳng mua được mấy con cá chép to, biết chồng thích ăn gỏi nhưng không có cá to nên bà đành chịu. Ngày mới về làm vợ ba ông Cử Vinh, bà nhớ mãi cô Bàng là em chồng nói mát, riêng món gỏi cá ngoài gái họ Trần, phận làm dâu chẳng thể làm ngon được. Dù công nhận mỗi kì giỗ chạp cô Bàng đều tự tay làm gỏi, bà vẫn thấy mình có thể làm ngon hơn thế. Chẳng muốn gây bất hoà với giặc bên Ngô, nhiều lần bà làm món gỏi cá để chồng thưởng thức cùng be rượu nếp tự nấu.

 

Đang mua thêm vài thứ rồi chuẩn bị ra về, bà ba Xoan thấy trương tuần Long tay cầm thước cùng bốn tuần đinh chạy về phía cổng nguyệt, ít lâu sau có thêm ông lý Hoạch mặc áo the nhưng tay cầm khăn xếp còn chân không xỏ guốc để lội nước bì bõm ra đó. Nhờ miệng của tay mõ, một loáng sau cả làng Mật biết chuyện tay Thanh lé treo cổ tự tử trên cành muỗm. Người nhiều chuyện nói tay đó bị ma rủ ra cây muỗm rồi treo cổ, người lại đoán có khi gã thua một tiếng bạc to nên đã cầm cố ruộng vườn, giờ nghĩ quẩn tìm đến cái chết cho nhẹ nợ. Chẳng rõ thực hư, nhưng qua lời tay mõ làng kể, trải qua một đêm mưa gió, khuôn mặt của kẻ chết treo sưng vù như cái tổ ong và bầm tím nhìn đến hãi, mấy bà ưa hóng chuyện vốn nhát gan nên vội lảng về nhà chả còn tâm trạng mò ra mạn đó.

 

Dù mưa gió nhưng bữa trưa vẫn có đĩa rau muống luộc chấm tương, đĩa cá rán giòn để chồng nhắm rượu khiến bà ba Xoan thấy vui hơn. Không cầu kì chuyện ăn uống, với bà chỉ vài quả cà cùng bát canh là xong bữa. Biết chồng vẫn buồn vì tai ương liên tiếp giáng xuống ngôi chùa làng, bà ba Xoan kể lại việc tay Thanh lé đêm qua treo cổ ngay trên cây muỗm gần nhà, như vậy chẳng cần đến hai năm mươi, chưa đầy một tháng đã có hai người chết trẻ. Không bận tâm đến cái chết của tay tuần đinh hống hách, bỏ qua mọi lời đồn thổi vô căn cứ, lúc dùng bữa xong cụ Cử Vinh ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Chẳng cần phải đa mưu túc kế, cụ vẫn thấy vụ cháy dãy nhà ngang cùng cái chết của chú tiểu cùng việc tay Thanh lé treo cổ liên quan đến nhau. Dù chẳng rõ nguồn cơn sự việc, rõ ràng kho báu do tổ tiên để lại giờ như miếng mồi ngon khiến nhiều kẻ phát cuồng.

 

Đầu giờ chiều chẳng đợi nước rút, cụ Cử Vinh lội nước đi tới ngôi chùa làng. Trên con đường lầy lội, mưa cả đêm khiến rác rưởi trôi lềnh bềnh, chưa kể xác chuột chết rồi phân lợn và phân người, tất cả đều theo con nước trôi về phía cổng nguyệt. Dù chính quyền bảo hộ từng cử đoàn sinh viên trường thuốc cùng đốc tờ tây đến tuyên truyền vài buổi, xem ra ý thức giữ gìn vệ sinh và sống sạch sẽ chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Đi từ xa nhìn thấy cây thị ở sân chùa, cụ thán phục bởi người xưa đã chọn nơi dựng ngôi cổ tự cao ráo nhất làng, kế đến là ngôi đình chưa bao giờ bị ngập. Chẳng đến mức như đường thần đạo trong kinh thành, tuy nhiên nếu tính từ cổng chùa có đắp chữ LINH SƠN TỰ đến cổng đình gần như nằm trên một trục thẳng, điểm nằm giữa theo đường vô hình đó chính là giếng làng được mệnh danh là mắt rồng. Làng Mật có nhiều vị đỗ đạt khoa bảng cả văn lẫn võ, ngay như cụ tổ họ Trần là Hanh quận công xuất thân khoa bảng nhưng cả đời trên lưng ngựa cầm quân cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay được chúa Trịnh cho chuyển về quê nhà xây lăng mộ. Sự phồn thịnh của một làng, xét cho cùng gắn liền với sự thịnh suy của vận nước và đấng quân vương ngự trên ngai vàng.

 

Đứng múc nước rửa chân sạch sẽ, cụ Cử Vinh chỉnh đốn lại trang phục rồi khoan thai bước vào ngôi cổ tự. Dãy nhà gang đã được lợp lá và trát bùn trước đó một thời gian, rất may do gặp nắng nên bức vách đã khô vì thế trận mưa đêm qua chẳng hề ảnh hưởng. Cự thấy gian bếp có một vãi già đang lo cơm chay cho sư Thiện Tâm bởi chú tiểu đã vãng sang miền cực lạc. Tình hình này trước sau gì sư trụ trì phải thâu nhận đệ tử cho chùa đỡ quạnh hiu. Nhìn khói bếp không bốc lên nhẹ nhàng mà toả khắp nơi, nguyên do củi ướt nên khó nấu bởi thế bữa trưa sư Thiện Tâm dùng muộn hơn ngày thường. Không ngồi đàm đạo chuyện thế sự, chẳng bàn luận về nhân tình thế thái, cụ Cử Vinh ôn tồn hỏi:

-Người tu hành không nói dối, vậy xin hỏi nhà chùa cái chết của tiểu Minh Tâm và tay tuần đinh Lý Thanh có liên quan gì đến nhau.

Sư Thiện Tâm chắp tay khẽ nói:

-Adidaphat, sự sống vô cùng quý giá, Đức Thế Tôn luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây. Bần đạo thành tâm hướng Phật, nhẽ nào không thấu hiểu đạo lý đó.

 

Cự Cử Vinh khẽ giải thích, dù chưa mục sở thị cái chết của tên tuần đinh, nhưng theo lời của tay mõ làng thuật lại, cụ đoan chắc tay đó chết bởi dính Thất tiết kim tiên, môn bí kíp do cụ tổ Hanh quận công truyền lại. Ngày xưa ngoài việc giỏi binh đao cung kiếm, cụ tổ Hanh quận công còn có tuyệt chiêu sử dụng sợi dây dài để tước khí giới của kẻ thù. Trong binh pháp gọi là nhuyễn tiêu, bởi nữ nhi cần một dải lụa đào, nam nhi dùng sợi dây thừng sẽ khiến thứ tưởng như mềm oặt có thể cứng như thanh giáo, mềm như dải lụa để quấn lấy kẻ thù. Tên tuần đinh Lý Thanh là một lực điền to cao khoẻ như trâu mộng, bởi vậy đòn nhuyễn tiêu sẽ lấy tĩnh khắc động, lấy mềm khắc cứng rồi hạ gục y. Dù tay Lý Thanh bị treo cổ lên cành muỗm cuối làng, cụ đoán sợi dây thừng đó là đòn nhuyễn tiên bảy đốt (thất tiết kim tiên). Khi thấy sư Thiện Tâm nói rõ chẳng liên quan, cụ Cử Vinh xin phép ra về để sư trụ trì dùng bữa, lúc này trong đầu cụ nghĩ đến hai người con trai của mình là cả Hiển và hai Hoà.

 

Ngồi dùng bữa cơm chay, tuy nhiên cuộc trao đổi cùng thúc phụ khiến sư Thiện Tâm thấy băn khoăn, đã quy y cửa Phật nên ngài không bao giờ hành động khinh suất. Xét cho cùng cái chết của tiểu Minh Tâm còn nhiều uẩn khúc, đâu thể vì muốn đòi công lý rồi ngang nhiên đoạt mạng kẻ khác. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão, trời về chiều đã tối sầm nên ngôi mộ còn chưa xanh cỏ của tiểu Minh Tâm nằm cuối vườn nhìn trơ trọi đến nao lòng. Vẫn biết sinh ký tử quy, nhưng sư Thiện Tâm thương tiếc người đệ tử vắn số của mình.

Bình luận