Chapter 2

icon
icon
icon

Sau vài phút ngỡ ngàng, ông Sạn vốn nổi tiếng là người táo tợn đã nói ngay:


-Dào ôi, cá vào ao nhà ai người đó vớt, các cậu chưa quen thì lui ra, vua chúa gì giờ cũng chỉ là cái xác khô thôi.


Ngày trước ở làng chưa đi thoát ly, ông Sạn đã xem người ta bốc mộ nên không hề sợ hãi. Thậm chí có lần ông được chứng kiến việc bốc mộ người họ hàng chôn mấy năm, tuy nhiên lúc bật nắp ván thiên mọi người thấy dây tơ hồng quấn quýt ở áo quan, ngoài ra có những màng trắng như keo bao phủ khắp người chết, con cháu thấy xác ông cụ chưa tiêu liền biết ngay đó là mả kết. Ông Sạn nhớ rõ, đêm hôm đó mẹ ông đã đồ một chõ xôi trắng rồi đổ vào trong áo quan cho người làng đậy ván thiên rồi lấp lại ngay vì sợ hỏng mất long mạch. Thầy cũng được mời đến làm lễ nhằm giúp cho khi tốt trong mộ không phát tán ra ngoài, nhờ vậy con cháu hanh thông mọi việc.  Mặc cho Phạm Công Binh cùng hai cán bộ kiểm lâm trẻ can ngăn, ông Sạn thò tay nhấc tấm khăn lụa vàng có thêu chữ THỌ để kiểm tra, nhưng trái với dự đoán của mọi người, lúc nhấc tấm khăn ra không có xác ông vua nào cả, đó chỉ là một xác người được nặn bằng đất sét rồi nung kĩ. Có lẽ người nghệ nhân nào đó đã chăm chút cho tượng đất nung, bởi thế các chi tiết mắt, mũi và miệng đều sống động như thật. Ngỡ ngàng vì sự việc quá đỗi bất ngờ, ông Sạn nói ngay:


-Đây là phép chiêu hồn nạp táng, bởi có thể người chết mất xác nên phải làm hình nhân đặt vào, nhưng mặc áo hoàng bào như này đúng là đáng quân vương.


Không tin mấy chuyện nhảm nhí kiểu xứ Tàu, Phạm Công Binh chép miệng:


-Làm gì có ông vua nào chết mất xác, khéo là mộ giả đề đánh lừa hậu thế.


Hai người kiểm lâm cùng đoàn lại tin vào những lời ông Sạn nói, bởi họ là dân miền biển nên hiểu rõ, mỗi lần có ngư dân bỏ mạng ngoài biển khơi, gia đình thường làm mộ gió để hương khói phụng thờ. Họ tin vì lí do nào đó nên quan quân triều đình đã không hậu táng được cho nhà vua, nhưng vì không ai đọc được mấy dòng chữ Hán Nôm, do vậy quan tài thuộc vua triều đại nào mọi người đều mù tịt. Ngắm bức tượng đất nung cao khoảng một mét năm sáu, nhìn nét mặt cũng trạc tuổi mình, Phạm Công Binh đoán ngay đây là ông vua chết trẻ, nhưng việc ngài được táng tận trên đỉnh núi vẫn là ẩn số. Tiếng ông Sạn nói oang oang phá tan bầu không khí im lặng:


-Thôi khiêng cái xác bằng đất nung ra ngoài, khéo họ có đồ tùy táng.


Dù tượng bằng đất nung nhưng do không cẩn thận vì thế ông Sạn làm gãy cổ khiến đầu tượng rời ra khỏi thân, còn hai cánh tay bị vỡ mất đôi chỗ. Đúng như dự đoán, ngoài chiếc áo hoàng bào đang mặc cùng những súc gấm chèn quanh, ông Sạn thu được một tấm lệnh bài có khắc bốn chữ Hán, điều đặc biệt là lệnh bài được đúc bằng kim loại màu vàng khá nặng. Một thanh bảo kiếm đặt dọc thân tượng nói lên thân phận cao quí của người chết, ngoài những thế kể trên, mấy người cán bộ kiểm lâm không tìm thêm được gì. Lúc này sợ lo sợ đã bớt đi, Phạm Công Binh ngạc nhiên nói:


-Vua mà ít đồ tùy táng quá, làng em có ông quận công khi người ta di dời lăng mộ do chỗ đất bị nằm ở bên lở, trong quan tài còn nhiều đồ quí giá hơn.


-Tớ nghĩ ông này chạy loạn rồi chết vì gặp lam sơn chướng khí. Được hậu táng nơi rừng thiêng nước độc như này cũng là sự cố gắng rồi.


Đặt lại tượng đất nung bị gãy hai tay và rụng mất đầu vào lại quan tài, ông Sạn liền khấn:


-Thôi ba hồn bảy vía ngài ở đâu thì về chứng giám, chúng tôi chỉ vô tình đi ngang qua nên gặp ngài, vậy cũng gọi là có duyên. Sau này về đơn vị, anh em chúng tôi hứa sẽ biện lễ gồm đăng, trà, quả, thực cho vong linh ngài không phải cô quạnh.


Tranh thủ trời ngớt mưa, đoàn cán bộ kiểm lâm vội đến nơi tập kết, họ sợ những cơn mưa rừng kéo dài khiến lũ trên thượng nguồn tràn về, lúc đó sẽ phải nằm lại cả tháng trời, trong khi số lương khô đem theo đã gần cạn, còn mấy tờ tem phiếu lúc này không thể qui đổi thành gạo được. Đoàn người rời đi được vài cây số, đất đá cùng nước lũ đã một lần nữa cuốn phăng cỗ quan tài xuống phía dưới, do mảnh ván thiên đã không trong cá ghép, bởi vậy thi hài bằng đất nung chịu chung số phận khi bị nát vụn dưới sự va đập của hàng chục tấn sỏi đá, thân cây. Gần tết, do ở nhà vợ sinh con được vài tháng cộng thêm cả làng chìm trong trận lũ lịch sử, bởi vậy Phạm Công Binh được đơn vị ưu tiên cho về ăn tết sớm kết hợp với nghỉ phép. Đang nhét chỗ măng vào ba lô cùng chai mật ong rừng mang về tưa lưỡi cho con, nhưng Phạm Công Binh vẫn băn khoăn trước lời hứa của ông Sạn với bậc tiền nhân, anh liền nhắc khéo:


-Nhân có hộp mứt cùng chai rượu, mấy anh em mình làm lễ cho ông vua dạo trước.


Ông Sạn cười sảng khoái vì tính thật thà của người cấp phó, sau đó liền gắt khẽ:


-Cậu khéo vẽ chuyện, chỉ là cái tượng đất nung chứ vua chúa nào mà khấn với chả vái, không khéo lão Thành nhìn thấy lại tố với cấp trên là bọn mình mê tín dị đoan thì bỏ mẹ. Tết xong tớ về vườn nuôi lợn chăm đàn gà cho con mẹ sề ở nhà, cậu chắc sẽ thay tớ nên đừng để cho chúng nó tìm cớ kiểm điểm.


Cầm thanh bảo kiếm vẫn treo trên tường, ông Sạn đưa cho người cấp phó nhưng không quên dặn dò:


-Xưa quê tớ đẻ con trai, đến lúc thằng cu biết bò hay để nghiên mực một bên, còn một bên là thanh kiếm, nếu thằng cu chạm vào nghiên mực sẽ theo ngạch văn, chạm vào kiếm sẽ theo ngạch võ. Thằng cu nhà cậu sắp biết bò, nhớ lấy cái bút Trường Sơn cùng lọ mực Cửu Long để bên tả, còn thanh kiếm gỉ này để bên hữu xem sao.


Nhìn quanh không thấy ai, ông Sạn ghé tai Phạm Công Binh nói nhỏ:


-Sắp ăn cơm mới nói chuyện cũ, tấm thẻ bài đó tớ nghi đúc bằng vàng ròng, đợt tới đem về Hà Bắc, tớ sẽ nhờ đứa em con ông cậu nung chảy rồi chia đôi, hai thằng nhãi kia vẫn tưởng bằng đồng nên kệ chúng nó.


Trong buổi chiều cuối năm, Phạm Công Binh đi nhờ xe tải chở sắn của lâm trường về xuôi, ngoài ba lô nhét đủ những đặc sản của rừng, đơn vị còn ưu tiên cho một bao gạo nhằm cứu đói cho gia đình.

Bình luận