Chương 3. Trưởng thành - Phần 1. Cảm giác xấu hổ là trải nghiệm như thế nào?

icon
icon
icon

Nỗ lực có rất nhiều mục đích, ví dụ: để nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn; muốn không ngừng trau dồi bản thân, làm cho bản thân trở nên mạnh mẽ, có thể chọn lựa cuộc sống của mình; khi gặp được người có thể bên cạnh mình cả đời, sẽ không vì lười biếng mà cảm thấy mình không xứng đáng, sẽ không vì nhìn nhận tiêu cực mà tuột mất cơ hội theo đuổi, tự tin nói một câu: “Bạn rất giỏi, tôi cũng không kém.” Nhưng nỗ lực còn có một mục đích đơn giản khác: Để không phải xấu hổ và hổ thẹn.
“Hoàng tử quay tròn”
Về mặt tâm lí học, xấu hổ chỉ sự lúng túng, trốn tránh vấn đề, tức giận và buồn bã… khi chính bản thân mình (hoặc nhìn thấy ai đó) bị dồn vào đường cùng, gặp phải tình huống không thể lường trước, cũng tức là bản thân ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan không thể thoát ra.
Những trải nghiệm xấu hổ, mắc cỡ mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời này có thể nói nhiều vô kể. Bối rối trước ánh nhìn chằm chằm của đám đông, là xấu hổ. Diễn đạt không hợp lí, hành động không khéo léo khiến đám đông bỗng chốc im bặt hoặc cười ồ, cũng là xấu hổ.

Thời còn học cấp hai, nhờ cơ duyên may mắn, tôi được chọn làm phát thanh viên của trường.
Để kêu gọi hưởng ứng phong trào rèn luyện dạy và học, nhà trường quyết định tổ chức cuộc thi thuyết trình về văn hóa của trường. Mỗi lớp phải chọn một thành viên tham gia thi. Trọng trách này đã rơi xuống đầu tôi.
Thời hạn được giao có thể coi là dư giả, trong một tuần chỉ yêu cầu chuẩn bị một bài thuyết trình dài năm phút giới thiệu về trường. Vì thời gian dư giả, tôi cứ trì hoãn mãi. Nếu không vì yêu cầu phải tập thuyết trình ở lớp trước một ngày, có lẽ bài thuyết trình của tôi cũng phải gần sát cuộc thi mới có thể hoàn thành. Việc này tôi vốn cho là rất dễ, ai ngờ khi thật sự đặt bút viết mới phát hiện ra nó khó nhường nào. Cuối cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, bản nháp cũng tạm thời được thông qua. Tôi đã phải gấp gáp học thuộc trong một buổi tối, hôm sau khi thuyết trình trước lớp có thể coi là thuận lợi. Buổi tối về nhà, tôi liền ném bài viết vào một xó, tung tăng ra ngoài chơi.
Ngày hôm sau, tất cả giáo viên và học sinh toàn trường oai nghiêm chuyển ghế ngồi yên vị trên sân trường. Nhân lúc thí sinh trước đang còn thuyết trình, tôi ngồi sau sân khấu tranh thủ xem lại bản thảo. Vì thời gian eo hẹp, tôi chỉ lướt qua một lượt, tự cho là đã thuộc như cháo chảy.
Đến lượt tôi lên sân khấu, khởi đầu rất thuận lợi. Song có thể bởi đứng trước giáo viên và học sinh toàn trường, đột nhiên có chút căng thẳng, đa phần là do bản thân chuẩn bị chưa chu đáo, nói được một nửa tôi bỗng nhiên quên mất một câu, rồi đầu óc cứ thế trống rỗng. Ba mươi giây, một phút... Thời gian dài đằng đẵng. Tôi bắt đầu luống cuống, cố vắt óc suy nghĩ nhưng vẫn không thể nhớ ra câu nào chữ nào.
Thật sự quá xấu hổ, tôi liền quay một vòng trước mặt giáo viên và học sinh toàn trường. Trong ánh mắt chờ đợi của giáo viên và tiếng vỗ tay cổ vũ của các bạn học sinh, tôi thực sự quay tròn 360 độ trên bục diễn thuyết, nhưng vẫn không thể nhớ ra. Giáo viên hướng dẫn ở bên cạnh đã có chút nhấp nhổm không yên, liên tục nhìn tôi, ra hiệu cho tôi nhanh lên, không được thì đi xuống. Không còn cách nào, tôi đành bỏ qua phần giữa, đọc qua loa đoạn kết cuối cùng. Từ đó, tôi có biệt danh “Hoàng tử quay vòng”.
Tôi không nhớ cuối cùng mình làm cách nào thoát khỏi sân khấu. Tôi chỉ hối hận, nếu tôi tận dụng tốt thời gian một tuần thì có phải đã có thể diễn thuyết tốt hơn không, có phải đã có thể trình bày lưu loát hơn không? Thậm chí nếu tôi luyện tập diễn thuyết nhiều lần, kết hợp thêm nhiều ngôn ngữ cơ thể thì hiệu quả diễn thuyết có phải đã tốt hơn không? Câu trả lời là chắc chắn.
Nhưng, tôi đã không làm như vậy. Cho nên, nỗi xấu hổ ấy, tôi đáng phải chịu. Đối diện với sự xấu hổ, nếu không thể chốn chạy, chi bằng ung dung đối mặt, thừa nhận sai sót của bản thân, thậm chí có thể tìm cách tự pha trò để hóa giải sự xấu hổ. Ra sức gồng lên sẽ chỉ khiến bản thân càng thêm mắc cỡ.
Tôi vốn cho rằng tôi sẽ cố gắng tránh những tình huống xấu hổ như thế trong cuộc đời sau này, nhưng trong đợt thi cuối kì, tôi lại phạm phải lỗi lầm tương tự.
Xấu hổ không phải hoàn toàn do bản thân “tạo nên”
Lên đại học, tôi bắt đầu đoán mò thói quen giảng bài của các giảng viên, tự cho là mình rất thông minh khi mò ra bí kíp võ công của họ. Nhưng cuối cùng vẫn rơi vào kết cục đáng xấu hổ.
Môn học ngoại khóa, nhà trường không đánh giá bất cứ điểm nào, 60 điểm và 100 điểm thì cũng giống nhau. Thông thường chỉ cần lên lớp đúng giờ và hoàn thành bài tập thì có thể đạt được điểm yêu cầu. Bài tập cuối kì của môn ngoại khóa kì này là làm một MV (video ca nhạc).
Tôi cũng có thời gian dư giả như lần trước, tròn hai tuần. Nhưng, tôi trì hoãn từ hai tuần còn một tuần, từ một tuần đến cuối tuần còn lại. Làm sao đây, bài tập dù sao cũng không thể không làm? Tôi gọi thành viên trong nhóm ra ngoài ghi hình, mọi người đều cảm thấy lãng phí thời gian, vì không tính điểm thành tích. Một mình không thể hoàn thành, đành buông xuôi, mặc kệ theo tự nhiên, dẫu sao “Luật không phạt số đông”.
Chúng ta thường lựa chọn trốn tránh theo thói quen, nhưng thực tế chứng minh, cứ làm theo người khác, thỏa hiệp, cuối cùng cái mất đi không chỉ là ý chí chiến đấu, mà hơn hết là thiếu đi tinh thần thử thách với những điều mới lạ.
MV được hoàn thành trước hạn nộp bài tập một tối, phòng kí túc tổng cộng bốn người, chúng tôi dùng một chiếc điện thoại cố gắng điều chỉnh góc độ, lấy tấm rèm màu xanh da trời xấu xí làm phông nền, vì rèm nhỏ, không đủ cho bốn người đứng, nên chúng tôi phải trưng dụng thêm tấm vải trải giường. Cứ như vậy, MV dài năm phút quay một lần xong, không có ngoại cảnh, không cắt nối biên tập, không lồng chữ. Nói chính xác, chỉ là một video ghi hình bốn người hợp ca. Suốt quá trình ghi hình, vẻ mặt chúng tôi chẳng có chút biểu cảm, trong lòng chỉ hận: Bài hát do tên khốn nào chọn, thời gian dài như vậy!
Buổi trình bày trên lớp sáng hôm sau không ngoài dự tính, MV của mọi người đều được chuẩn bị rất công phu với đủ cảnh quay đẹp mắt, cắt nối, biên tập khéo léo, mạch logic hợp lí, thậm chí còn vui tai vui mắt hơn một số MV chuyên nghiệp.
Đến lượt chúng tôi, bức hình bìa đầu tiên là bốn nam sinh vô cùng xấu xí giống như bức ảnh chụp gia đình ăn Tết thập niên 90 của thế kỉ 20, một người ngồi chính giữa, ba người còn lại đứng phía sau, toàn cảnh thật buồn cười. Để che giấu sự xấu hổ, chúng tôi úp mặt xuống bàn. Năm phút đó, thật sự dài dằng dặc.
Chúng tôi ngưỡng mộ tác phẩm xuất sắc của người khác, vỗ tay không nén nổi cảm xúc; cũng thừa nhận sự cố gắng của họ, cho rằng như vậy mới là đúng. Nhưng, chúng tôi vì nhìn nhận tiêu cực, đã làm việc qua quýt, kết quả đổi lại chỉ có tiếng cười rộ lên của đám đông. Tất cả những điều này, lẽ ra hoàn toàn có thể tránh.
Đến khi sự việc xảy ra rồi, khó tránh khỏi đắm chìm trong bầu không khí khiến bản thân mắc cỡ. Nhưng tôi chấp nhận sự xấu hổ do thái độ thiếu nghiêm túc với công việc của tôi gây nên. Tôi bắt đầu suy nghĩ rộng hơn về nguyên nhân gây ra xấu hổ. Chỉ như vậy, những sự việc xấu hổ kiểu này mới có thể ít xảy ra.
Làm cách nào tránh được xấu hổ
Tôi thích sáng tác, mỗi lần viết xong, sửa chữa và kiểm tra lỗi chính tả, tôi đều có thể phát hiện ra không ít sai sót khiến người ta không nhịn được cười. Để tiết kiệm thời gian, tôi thường kiểm tra một lần rồi đưa ra công khai, sau đó sẽ nhận được nhiều bình luận nhắc nhở lỗi sai. Lỗi sai chữ trong một bài văn giống như con ruồi trong nồi lẩu thơm nức mũi, phá hoại niềm vui, khiến người ta mất đi hứng thú.
Tôi “bị ép” phải kiểm tra lại ba lần trước mỗi khi công bố, nhưng đôi khi vẫn sẽ phạm lỗi. Lấy ví dụ, hai ngày trước tôi gửi cho người quản lí một tin nhắn riêng, ý thật sự của tôi là phiền anh ấy giải thích một quy chế. Tôi dùng bàn phím nhập phiên âm trên điện thoại để gõ chữ, nhập xong gửi đi luôn. Cho đến khi nhận được hồi đáp, mới kiểm tra lại lần nữa tin nhắn mình đã gửi đi, không nhịn nổi cười thành tiếng, tôi đã gõ chữ “máfan” (làm phiền) thành “mādàn” (trứng của mẹ). Còn có một lần viết bài nói về vấn đề làm thêm như thế nào trong thời gian đại học, tôi gõ “fā chuán dān” (phát tờ rơi) thành “fā chuáng dān” (phát ga trải giường)...
Nếu tôi có thể kiểm tra một lần trước khi gửi, dù chỉ là lướt qua một lượt, tôi nghĩ lỗi sai như vậy có thể tránh được. Nhưng tôi đã không làm như vậy.
Nỗ lực có rất nhiều mục đích, ví dụ: để nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn; muốn không ngừng trau dồi bản thân, làm cho bản thân trở nên mạnh mẽ, có thể chọn lựa cuộc sống của riêng mình; khi gặp được người có thể bên cạnh mình cả đời, sẽ không vì lười biếng mà cảm thấy mình không xứng đáng, sẽ không vì nhìn nhận tiêu cực mà tuột mất cơ hội theo đuổi, tự tin nói một câu: “Bạn rất giỏi, tôi cũng không kém.” Nhưng nỗ lực còn có một mục đích đơn giản khác: Để không phải xấu hổ và hổ thẹn.
Cho nên, bắt đầu từ hôm nay, hãy nghiêm túc làm tốt mỗi việc nhỏ xung quanh mình, nhìn nhận đúng đắn mỗi nhiệm vụ. Công sức bạn bỏ ra không chắc chắn sẽ thu lại kết quả hoàn mĩ, nhưng chắc chắn sẽ ghi lại sự trưởng thành của bạn, giống như những việc xấu hổ kể trên, số lần để xảy ra chuyện tương tự nhất định sẽ ngày càng giảm. Hãy biến sự xấu hổ thành một tấm gương, luôn luôn thúc đẩy bản thân mình trưởng thành.

Bình luận