Chương 3. Trưởng thành - Phần 5. Tại sao lại cứ phải đợi đập đầu vào tường mới quay đầu

icon
icon
icon

Đừng đợi đập đầu vào tường rồi mới nghĩ đến quay đầu, đừng đợi đến khi thấy quan tài mới đổ lệ. Sửa nhà trước khi trời mưa, nằm gai nếm mật, sớm điều chũnh phương hướng, xây dựng kế hoạch hợp lí, lập ra mục tiêu chi tiết và phấn đấu vì nó, học cách tự quản lí bản thân. Hãy cố gắng giữ cho cho thân tâm hài hòa.
Thanh xuân có thời
Cổ ngữ có câu: Chưa thấy tường thành chưa quay đầu, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Nhiều khi, chúng ta biết rõ kết quả đa phần không hoàn toàn như ý muốn, nhưng lại không muốn tin, cứ tìm mọi lí do đánh lừa bản thân, ảo tưởng kì tích xuất hiện. Đến cuối cùng, thực tế luôn chứng minh chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian làm chuyện vô ích. Nhìn thấy bức tường thành, mới chịu chấp nhận quay đầu. Phạm sai lầm lớn, mới bắt đầu buồn phiền hối hận. Người lí trí sẽ suy nghĩ lại, người cảm tính lại dùng một câu thanh xuân là để làm lại, tự an ủi bản thân.
Nhân lúc trẻ tuổi, chúng ta ngao du, bay nhảy tận hưởng thanh xuân, trưởng thành từ trong sai lầm, tỉnh ngộ từ trong thất bại. Tuổi thanh xuân được tận dụng để lăn lộn, nhưng có những thứ hoàn toàn không bắt buộc bạn và tôi phải tìm hiểu đến sứt đầu mẻ trán, phải đích thân thực hiện rồi mới bừng tỉnh, hối hận không kịp. “Không nghe lời người trước, thiệt thòi ngay trước mắt”, câu nói này không hẳn đúng trong mọi trường hợp, nhưng lại nhắc nhở chúng ta phải biết rút kinh nghiệm từ những vết xe đổ, tránh khỏi hố mìn. Bởi có những cái giá của sai lầm, chúng ta gánh không nổi.
Cái giá không thể gánh nổi
Từ nhỏ tôi đã thích ăn các loại đồ ăn vặt. Vì thời gian ăn sáng thường bị thói ngủ nướng “chiếm đoạt”, nên chưa đến buổi trưa, bụng đã bắt đầu sôi ùng ục. Cứ đói bụng là tôi phải ra căng tin mua chút đồ lót dạ. Mì cay là món yêu thích của tôi, mỗi lần đều mua rất nhiều, ăn cay đến đầm đìa mồ hôi vẫn liên tục nhét vào miệng. Không biết bao nhiêu lần bị bố mẹ cảnh cáo, cũng không biết bao nhiêu lần vì ăn mì cay mà bị đau dạ dày. Bệnh dạ dày mãn tính cứ ngấm dần ngấm dần, đến khi bản thân không chịu đựng nổi, nhận ra thì đã muộn.
Lên lớp 8, tôi bắt đầu bị căn bệnh dạ dày làm khổ, bụng đau như cắt, tràng vị co thắt, chỉ muốn ngồi bò xuống đất. Những lúc đau dữ dội, tôi ôm bụng lăn lộn khắp mặt đất. Sau khi uống hai gói thuốc thì trở lại bình thường. Tôi cứ dây dưa, cũng không chăm lo trị bệnh, cuối cùng năm lớp 10, bệnh tình trở nặng, tần suất đau dạ dày bắt đầu tăng lên, mức độ đau đớn cũng tăng theo. Mỗi lần bệnh phát tác, những giọt mồ hôi như hạt đậu cứ chảy ròng ròng xuống theo hai má. Tôi đến bệnh viện kiểm tra, được biết niêm mạc dạ dày đã tổn thương nghiêm trọng và kèm theo hiện tượng xuất huyết. Vì thế tôi phải nghỉ học ở nhà dưỡng bệnh suốt một năm, tránh xa những áp lực học tập căng thẳng ở cấp ba.
Nếu mẹ bạn gọi bạn về nhà ăn cơm, yêu cầu bạn mặc quần áo giữ ấm, nhắc nhở bạn chăm sóc tốt bản thân, bạn hãy lắng nghe và thực hiện. Bạn ghét quần ấm giữ ấm vì nó vướng víu và mặc vào trông bạn như củ khoai. Nhưng cứ thử mặc quần áo mỏng đi ra ngoài một vòng xem, quay về bạn lạnh run cầm cập, cái lạnh tích lâu ngày chuyển hóa thành bệnh thấp khớp, cứ mỗi khi mưa ẩm bạn lại đau nhức khắp mình mẩy. Lúc đó bạn có hối hận cũng không kịp nữa rồi.
Đừng làm cật lực, hãy làm tận lực
Làm cật lực và làm tận lực – không biết bao nhiêu người có thể phân biệt rõ ràng về hai cụm từ này. Tôi từng đọc một cuốn sách, trong đó có phần giải thích về hai cụm từ này mà tôi cảm thấy khá đúng. Làm tận lực có thể phát huy được tiềm lực của chúng ta, còn làm cật lực chỉ là phát huy bản năng của chúng ta. Làm tận lực có thể khiến chúng ta vượt trội, còn làm cật lực chỉ giúp chúng ta duy trì hiện trạng ở mức bình thường.
Tin rằng đa số các bạn từ khi còn nhỏ đã liên tục phải phiền lòng vì lựa chọn thi vào Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh. Bây giờ nhìn điểm thi đại học có phần đáng thương của mình, cảm thấy hổ thẹn bất lực, thậm chí cảm thấy nực cười.
Trên diễn đàn của các trường đại học có bao nhiêu anh chị than phiền khó tìm việc, lại có bao nhiêu anh chị than vãn giá phòng quá cao, tốt nghiệp chính là thất nghiệp, trừ chi phí thuê phòng và chi phí đi lại thì tiền lương chẳng còn bao nhiêu.
Nhưng đối với Tiểu D, chuyện tốt nghiệp lại hoàn toàn không đáng phiền như vậy. Tiểu D lập kế hoạch cuộc sống hợp lí, tham gia thi không ít chứng chỉ, nắm chắc kiến thức chuyên ngành hơn bạn cùng trang lứa, chưa tốt nghiệp cậu ấy đã nhận được lời mời làm việc của một công ty. Nói theo cách của cậu ấy, đó là thứ cậu ấy xứng đáng được nhận, là thứ cậu ấy bỏ ra bốn năm cực khổ để đổi lại.

Các giáo viên nói với chúng ta: Phải chăm chỉ học tập, phải làm đến nơi đến chốn, phải nghiêm túc. Chúng ta luôn cảm thấy những lời đó đều là lừa gạt. Chúng ta đã liều lĩnh muốn tìm kiếm một vài con đường tắt, muốn lười biếng, các giáo viên không để ý một chút là chúng ta liền lén chui dưới gầm bàn nhấm nháp đồ ăn vặt, tí toáy điện thoại, làm đủ mọi hành động lén lút.
Chúng ta có thể tránh được sự giám sát của giáo viên, nhưng kết quả kiểm tra học phần, kiểm tra cuối kì đã thẳng thừng “tố cáo” việc chúng ta thiếu nỗ lực thường ngày. Kì thi đại học chính là đường ranh giới rõ ràng nhất, có người thi đỗ thành công vào trường đại học mơ ước, lại có người nhìn điểm số của mình mà hối hận.
Hối hận bản thân lúc trước tại sao không thể nỗ lực hơn một chút, tại sao không thể nghiêm túc hơn một chút, tĩnh tâm lại chăm chỉ đọc sách một chút, tại sao… Nhưng, lấy đâu ra nhiều tại sao như thế. Bây giờ chúng ta đã đập đầu vào tường rồi, còn có cơ hội hối hận sao? Nói là có thì là có, chúng ta vẫn có thể học lại. Nhưng nói không cũng là không, học lại đương nhiên là được, nhưng thời gian học lại chính là một loại chi phí, là tiêu tốn bằng thực, không thể tính như không có gì. Chi phí cho thời gian này – tôi không biết có bao nhiêu người trong chúng ta có thể gánh vác được?
Đừng đợi khi đập đầu vào tường mới nghĩ đến chuyện quay đầu, đừng đợi đến khi thấy quan tài mới đổ lệ. Sửa nhà trước khi trời mưa, nằm gai nếm mật, sớm điều chỉnh phương hướng, xây dựng kế hoạch hợp lí, lập ra mục tiêu chi tiết và phấn đấu vì nó, học cách tự quản lí bản thân. Hãy cố gắng giữ cho thân tâm hài hòa.
Tránh cạm bẫy “phí tổn ngầm”
Rất nhiều khi chúng ta không thể ngăn chặn kịp thời những tổn thất, hay quay đầu kịp trước khi đập vào tường, nhất là trong tình yêu. Trong một chương trình giải trí tổng hợp, mỗi tuần đài truyền hình mời một khách mời trao đổi về những phiền muộn của bản thân. Trong một lần phát sóng, có một khách mời nữ kể rằng, bạn trai cô ấy rất thích xem một chương trình trực tiếp trên mạng, phát thanh viên chương trình đó là một cô nàng trẻ tuổi. Tiền lương mỗi tháng của anh ta là 5.000 tệ, nhưng phải tiêu 2.000 tệ, thậm chí là
3.000 tệ để thưởng cho nữ phát thanh viên kia. Anh ta giải thích với những ngôn từ mĩ miều rằng quan điểm của cô phát thanh viên có nhiều điểm chung với anh ta, anh ta rất yêu thích nữ phát thanh viên đó. Khi người dẫn chương trình hỏi anh ta, mỗi tháng anh chỉ có
5.00 tệ tiền lương, làm sao sống ở nơi giá thành đắt đỏ như Quảng Châu? Anh ấy mới nói là ở nhờ nhà bạn gái – điều mà anh ta cho là cực kì ngu xuẩn. Nói thẳng ra, nữ khách mời kia đã nuôi một “tên mặt dày”, mà tên mặt dày này còn ngoại tình. Tất cả khách mời và khán giả đều khuyên nữ khách mời bỏ tên cặn bã, bạn thân cô ấy cũng khuyên cô ấy như vậy. Nhưng nữ khách mời lại không nỡ, cô ấy cho rằng cô ấy và bạn trai có tình cảm.
Sự thật thì sao? Ngày lễ tình nhân, người bạn trai tặng cho cô một phong bao 5,2 tệ, nhưng lại gửi cho nữ phát thanh viên kia phong bao 520 tệ. Người bạn trai luôn miệng nói mình không hề yêu nữ phát thanh viên đó, chỉ là ngưỡng mộ, người anh ta yêu là cô. Nhưng hành động của anh ta lại tự tát vào mặt mình.
Vậy rốt cuộc nguyên nhân gì khiến một số người thấy tường thành rồi cũng không quay đầu? Giáo viên dạy kinh tế học từng giảng về hai khái niệm, có lẽ có thể giải đáp thắc mắc này. Khái niệm thứ nhất là “phí tổn ngầm”, chính là chi phí đầu tư chúng ta bỏ ra cho một sự việc. Thời gian, tiền bạc, thậm chí sinh lực của bạn đều là phí tổn ngầm, giống như chậu nước, một khi đã hắt đi rồi thì không thể lấy lại. Chúng ta thường nghĩ đến những đầu tư đã bỏ ra mà không muốn từ bỏ, mặc dù trong lòng biết rõ bản thân đã không thể lấy lại, nhưng cứ chần chừ không chịu chấp nhận.

Đi kèm với phí tổn ngầm còn có “phí tổn cơ hội”, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến đa số người chưa thấy tường thành chưa quay đầu. Thêm vào đó, cách hiểu về phí tổn ngầm của mỗi người là khác nhau. Có người cho rằng chi phí đã bỏ ra giống như nước hắt đi, nhưng có người lại cho rằng vẫn còn hi vọng. Trong mắt họ, có cho ắt có nhận, chỉ là vẫn chưa đến lúc thôi.
Muốn giảm bớt ảnh hưởng của phí tổn ngầm với chúng ta, ngoài bồi dưỡng kiến thức cho bản thân, hoàn thiện kĩ năng của bản thân, còn cần nhìn nhận sự phát triển của sự việc một cách có hệ thống và lí trí. Thêm một chút lí trí, bớt một chút cảm tính mới là con đường cơ bản giúp chúng ta tránh đâm đầu vào ngõ cụt.

Bình luận