Chương 3. Trưởng thành - Phần 6.Thành quả và tốc độ

icon
icon
icon

Rất nhiều khi chúng ta sai lầm gọi sự qua loa, đối phó bằng cái tên mĩ miều là nhanh chóng, hiệu quả cao. Như người ta thường nói “tiền nào của nấy”, một thành quả tốt, một kết quả khiến người ta hài lòng cũng đòi hỏi chúng ta bỏ ra nhiều thời gian và sức lực hơn mới có thể đạt được.
Chúng ta đang lo lắng điều gì
Lo lắng, mơ hồ trở thành cái mác đặc trưng của người trẻ. Chúng ta rốt cuộc đang lo lắng điều gì? Rốt cuộc đang mơ hồ điều gì? Sợ thành tích không đạt, sợ nhiệm vụ cấp trên giao không thể hoàn thành đúng hạn, sợ không có được cuộc sống mình mong muốn, sợ bị người xung quanh vượt mặt...
Chúng ta đều biết, bất luận làm việc gì, hiệu suất càng cao lợi ích sinh ra cũng càng lớn. Từ nhỏ chúng ta đã bị truyền thụ những khái niệm “nhanh”, “sớm”, phải sớm trở nên nổi tiếng, phải đi học sớm, thậm chí kết hôn cũng phải sớm. Bây giờ số lượng thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi thi đại học đã bắt đầu tăng vọt, mọi người đều sợ bị tụt lại phía sau, từ thành tích cho đến tuổi tác.
Tôi có một người em họ năm nay vừa lên lớp ba, một đứa trẻ mới chín tuổi mà đã đi học học thêm được 5 năm rồi. Cậu ấy từ lúc bốn tuổi đã bắt đầu học chữ, bởi vì bạn cùng tuổi đều học. Năm đầu tiên tiểu học khi vừa bắt đầu tiếp xúc với chữ viết đã đăng kí lớp luyện chữ, qua thời gian học thêm đã viết được 300 chữ, nói chính xác có thể viết được đoạn văn nhỏ với hơn một nửa là chữ phiên âm. Hiện tại lớp ba, thời gian cuối tuần cũng bị dồn đến lớp học thêm tiếng Anh và lớp học thêm hội họa.
Tôi rất vui vì mình đã sinh ra sớm hơn, lúc bấy giờ các kiểu lớp học thêm vẫn chưa thịnh hành ở Trung Quốc. Nhưng nghĩ kĩ lại thì chúng tôi thực ra cũng chẳng khác lũ trẻ thời này là mấy. Thấy bạn bè thi chứng chỉ tiếng Anh cấp bốn, chúng tôi cũng bắt đầu gấp gáp học thi. Thấy thông báo thi chứng chỉ nghiệp vụ kế toán, chúng tôi lại vội vàng đi đăng kí. Nghe thấy đàn anh đàn chị thi thạc sĩ, chúng tôi cũng bắt đầu chuẩn bị.
Nam diễn viên điện ảnh nước Pháp, Jean Reno – nam chính trong bộ phim kinh điển “Sát thủ chuyên nghiệp” – khi còn trẻ cơ bản không có ai biết đến, cho đến năm bốn mươi sáu tuổi mới thành danh, từ đó cuộc đời ông bắt đầu bước sang một trang mới. Sau đó các bộ phim kinh điển do ông thủ vai chính như “Nhiệm vụ bất khả thi”, “Sát thủ tự do”… đều được dư luận hết lời khen ngợi, doanh thu phòng vé rất cao.
Khi Jean Reno trả lời phỏng vấn có nói, bố của ông quy định mỗi ngày không được ăn hai con gà, ý nói rằng “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Chất lượng quan trọng hơn số lượng, thành công không thể nóng vội.
Có mục tiêu đương nhiên là chuyện tốt, muốn biết thêm một kĩ năng cũng là điều đáng khích lệ. Nhưng chúng ta thường nóng vội muốn thành công, muốn đạt được mục đích trong thời gian ngắn nhất. Nếu trước nay bạn chưa từng làm một việc đến nơi đến chốn, hoặc dù bạn có nghiêm túc học tập nghiên cứu và thu được không ít kĩ năng, cũng có được không ít chứng nhận chuyên ngành, nhưng mỗi lĩnh vực đều chỉ lướt qua rồi dừng lại, không có bất cứ năng lực cạnh tranh cốt lõi nào, thì khi ra ngoài tìm việc bạn vẫn sẽ gặp những kết cục thảm bại.
“Tiền nào của nấy”
Tranh luận của mọi người về chuyện kết quả quan trọng hay quá trình quan trọng vẫn kéo dài không kết thúc. Bất luận đứng về bên nào, họ đều có căn cứ của mình. Tôi cũng không có bất cứ tiêu chuẩn đánh giá nào. Nhưng nếu bạn hỏi tôi, rốt cuộc là kết quả quan trọng hay tốc độ quan trọng, thì tôi ủng hộ cái đầu tiên: kết quả quan trọng hơn tốc độ.
Bài kiểm tra môn chuyên ngành được tiến hành theo hình thức tiểu luận nhóm. Nhóm chúng tôi gồm ba người, tôi đảm nhiệm vai trò nhóm trưởng, sau khi trao đổi sơ qua mọi người ai vào việc nấy, phân công rõ ràng. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp của bài tiểu luận, xét thấy số liệu chuyên ngành không dễ thu thập, lại thêm thời gian tương đối dư giả, tôi liền bảo mỗi người cố gắng nghiên cứu kĩ lưỡng hơn phần nhiệm vụ của mình một chút.
Ngày hôm sau, một bạn trong nhóm đã gửi tôi nội dung nghiên cứu chương mà cô ấy đảm nhận. Mới đầu tôi rất vui, nhưng khi mở bài của cô ấy ra xem, sự phấn khởi của tôi đã không còn lại gì, cả bài chỉ cho thấy sự qua loa, cẩu thả, đối phó.
Những câu trả lời mang tính khái niệm theo mẫu thì tôi có thể chấp nhận, nhưng rất nhiều nội dung cần đối chiếu ngang, thậm chí đối chiếu dọc, trong bài làm đều không có. Số liệu chuyên ngành lại dùng số liệu cũ từ mười năm trước lấy trong sách giáo khoa, trong khi những số liệu này chỉ cần chịu khó tìm kiếm trên mạng cũng có thể dễ dàng thu thập được, việc tìm được số liệu hai năm gần đây nhất không phải là vấn đề. Lại xem cách thức trình bày của bài, chỗ cần lùi vào đầu dòng thì không lùi, tiêu đề chữ đậm, chữ nghiêng cũng sử dụng bừa bãi, cơ bản chỉ là đánh máy lại những nội dung trong sách giáo khoa.
Tôi trả lại bài làm cho cô ấy và nói rõ lí do, cô ấy có chút không vui, cho rằng tôi cố ý làm khó cô ấy, than vãn rằng đó là sản phẩm mà tối qua cô ấy đã thức cả đêm để làm gấp. Tôi không giải thích nhiều, thậm chí có chút giận dữ nói một câu: “Vậy cậu cứ dùng phần của cậu đi, ba ngày nữa chúng tôi tổng hợp lại phần mỗi người chúng tôi làm.” Tối đó cô ấy gửi tôi một tin nhắn “Xin lỗi”, nói sẽ tận dụng thời gian mấy ngày còn lại cố gắng làm lại phần mình phụ trách.
Nhiều khi, chúng ta làm một việc tức là cần một thành quả, cần một kết quả. Đối với người lãnh đạo, hay đối với người khác cũng vậy, không ai cần biết quá trình của bạn, cũng không ai đặc biệt chú trọng tốc độ của bạn, không phải là nói bạn hoàn thành công việc càng nhanh thì càng tốt, mà là hoàn thành càng nhanh càng tốt trên tiền đề đảm bảo chất lượng, tuyệt đối đừng đảo lộn thứ bậc quan trọng.
Rất nhiều khi chúng ta sai lầm gọi sự qua loa, đối phó bằng cái tên mĩ miều là nhanh chóng, hiệu quả cao. Như người ta thường nói “tiền nào của nấy”, một thành quả tốt, một kết quả khiến người ta hài lòng cũng đòi hỏi chúng ta bỏ ra nhiều thời gian và sức lực hơn mới có thể đạt được.
Bill Gates từng nói thế này: “Thế giới này sẽ không quan tâm đến lòng tự trọng của bạn, thế giới này mong chờ bạn tạo nên thành tích trước, rồi mới nhấn mạnh đến cảm nhận của bản thân bạn.”
Xã hội này chính là một xã hội công danh lợi lộc, người ta chú trọng kết quả hơn, những người nói chỉ cần quá trình tốt đẹp là được, chẳng qua là tự an ủi sau thất bại mà thôi.

Đối với mỗi sự việc, điều chúng ta cần làm là tận lực, chứ không phải là cật lực, lại càng không phải là qua loa đối phó. Nếu cật lực, công việc chúng ta đang làm, sự nghiệp học hành mà chúng ta phải đối mặt có thể được ứng phó cho xong, nhưng tuyệt đối sẽ không tạo ra thay đổi về chất. Còn tận lực sẽ kích thích tiềm năng của chúng ta, tạo nên thành quả khác biệt.
Bạn và tôi đều còn trẻ, thấy mơ hồ là điều rất bình thường, thấy lo lắng cũng là điều rất bình thường. Nhưng tuyệt đối đừng nóng vội. Cơm phải nhai từng miếng, đường phải đi từng bước, tĩnh tâm lại, làm cho chắc chắn thực chất, mỗi bước đi để lại một dấu chân. Cho dù đường đi có vòng vèo, nhưng chỉ cần kiên định mục tiêu, sớm muộn cuối cùng sẽ đến đích.

Bình luận