Chương 3. Trưởng thành - Phần 7. Đừng tìm kiếm nữa, không có nhiều đường tắt như vậy đâu

icon
icon
icon


Đường tắt, có thể là con đường ngắn nhất, cũng có thể là một cây cầu độc mộc, mọi người chen chúc nhau lên, những người có thể thuận lợi đi qua đã ít lại càng ít. Đường tắt thường chũ thích hợp với một số người, hoàn toàn không phù hợp với số đông chúng ta. Số ít người sau khi được lợi đã huênh hoang tuyên truyền, khiến chúng ta vội tin vào con đường tắt ấy. Nhưng thất bại cuối cùng vẫn là do tâm thái nóng vội, mong sớm thành công của chúng ta mà thôi.
Cạm bẫy của con đường tắt
Có lẽ chúng ta đều mong muốn đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng, làm sao bỏ ra thời gian ít nhất mà thu được kết quả lớn nhất. Không ít người liều lĩnh tìm kiếm đường tắt, nhưng kết quả thường là nhanh chóng sụp đổ.
Khi bắt xe, thông thường tài xế sẽ quen miệng hỏi một câu: “Chúng ta đi đường gần nhất hay đi đường nhanh nhất?” Có thể bạn sẽ thấy khó hiểu, con đường gần nhất lẽ nào không phải con đường nhanh nhất hay sao?

Kì thực không phải vậy! Con đường gần nhất mặc dù chặng đường ngắn, nhưng rất có thể là đoạn đường giao thông đông đúc, thường tắc nghẽn, ngược lại con đường xa hơn lại là con đường đến đích nhanh hơn.
Đường tắt, có thể là con đường ngắn nhất, cũng có thể là một cây cầu độc mộc, mọi người chen chúc nhau lên, những người có thể thuận lợi đi qua đã ít lại càng ít. Đường tắt thường chỉ thích hợp với một số người, hoàn toàn không phù hợp với số đông chúng ta. Số ít người sau khi được lợi đã huênh hoang tuyên truyền, khiến chúng ta vội tin vào con đường tắt ấy. Nhưng thất bại cuối cùng vẫn là do tâm thái nóng vội, mong sớm thành công của chúng ta gây nên.
Con đường tắt chân chính là gì
Không thể phủ nhận, đường tắt đúng là có, nhưng suy nghĩ kĩ thì thấy cái gọi là đường tắt phần nhiều là thực tiễn sau khi đã nhận thức sâu sắc về quy luật, tổng kết kinh nghiệm mà ra.
Nếu xét từ góc độ kinh tế học, đi đường tắt chính là theo đuổi tối đa tỉ lệ giữa tính năng và giá cả. Cùng một tính năng, giá cả càng thấp – hoặc cùng một mức giá, tính năng càng tốt – thì tỉ lệ giữa tính năng và giá cả càng cao. Tương tự, đi đường tắt – có thể dùng hiệu quả chia cho đầu tư để thể hiện: hiệu quả như nhau, đầu tư càng ít
– hoặc cùng mức đầu tư, hiệu quả càng rõ ràng, thì mức độ đường tắt càng cao. Nhưng loại tỉ lệ này liệu có ổn không?
Dùng kinh tế học để giải thích khái niệm đường tắt, nghe có vẻ hợp lí, nhưng thực tế lại bỏ qua một tiền đề: tính năng và giá cả đều có tiêu chuẩn chính xác để so sánh, nhưng hiệu quả và đầu tư lại khó mà so sánh. Năng lực tiếp thu kiến thức của mỗi người không giống nhau, phương pháp học cũng khác nhau, mục tiêu theo đuổi cũng mỗi người một khác.

Lấy ví dụ kì thi cuối kì của sinh viên đại học, nếu lấy điểm qua môn là 60 điểm làm mục tiêu, muốn nhanh chóng nâng cao thành tích trong thời gian ngắn, trước kì thi tập trung ôn các dạng đề của giáo viên hoặc tổng kết trọng tâm kiến thức của các thần đồng, có thể gọi đây là đường tắt. Dù sao xét từ kinh nghiệm, nhiều khi dạng đề ôn tập kiểm tra và kiến thức trọng tâm đã chiếm tỉ lệ lớn hơn sáu mươi phần trăm trong đề thi. Nhưng nếu muốn giành được học bổng, muốn thực sự biến kiến thức thành vận dụng của bản thân, chỉ dựa vào ôn tập gấp gáp như vậy, chắc chắn là không đủ. Con đường tắt duy nhất chính là chịu khó học tập sau khi hiểu ra rằng chẳng có con đường tắt nào.
Tiểu Lệ là một người bạn và cũng là tấm gương học tập của tôi. Năm thứ hai đại học, cô ấy từng chủ trì thành công rất nhiều dạ hội quy mô lớn, cũng từng tham gia nhiều cuộc thi diễn thuyết tiếng Anh lớn. Biết khiêu vũ, biết vẽ, đa tài đa nghệ, thông thạo nhiều thứ. Trong mắt của những người xung quanh, việc cô ấy có thể giành được học bổng quốc gia hàng năm là chuyện quá nhẹ nhàng. Để khích lệ mọi người học tập, nhà trường đã tổ chức một hội thảo giao lưu trao đổi, mời cô ấy diễn thuyết. Một câu nói của cô ấy khiến tôi ấn tượng sâu sắc: Đằng sau mỗi thành công nhìn có vẻ không hề tốn sức đó, đều là sự nỗ lực vô cùng cực khổ. So với việc tốn nhiều thời gian tìm kiếm đường tắt, thà rằng sớm nhận ra siêng năng chính là con đường tắt duy nhất.
“Cô nàng kình ngư” Phó Viên Tuệ là vận động viên bơi lội của Trung Quốc đã xuất sắc giành huy chương đồng thế vận hội. Khi phóng viên hỏi cô ấy đánh giá như thế nào về thành tích của mình, Phó Viên Tuệ trả lời rằng: “Có quỷ mới biết tôi đã trải qua những gì…” Làm gì có sức như kình ngư, có chăng chỉ là không biết bao nhiêu ngày đêm tập luyện hăng say.
Đằng sau những thành công đó cần bao nhiêu đêm thức trắng khổ luyện. Đằng sau ánh đèn vinh quang rực rỡ là bao nhiêu lần luyện tập thất bại. Chúng ta đều chỉ quen nhìn vào thành công, không muốn đi sâu khám phá nhiều hơn. Hãy quan sát sự nỗ lực của người khác nhiều hơn. Hãy suy nghĩ nhiều hơn xem rốt cuộc đâu mới là đường tắt thực sự.
Trên con đường theo đuổi của cải vật chất, chúng ta lại càng điên cuồng tìm kiếm đường tắt. Ai ai cũng hi vọng miếng bánh trên trời rơi xuống trúng đầu mình, kiên trì mua vé số, khao khát một đêm phát tài. Nhưng đánh bạc vẫn cứ là đánh bạc, không biết lớn nhỏ ắt sẽ hại thân, nếu chỉ hi vọng trúng số để thay đổi vận mệnh, thì thật sự quá đáng buồn. Chẳng lẽ bạn muốn đánh cược cuộc đời mình vào những việc như vậy sao?
Con đường tắt chính là chăm chỉ nỗ lực sau khi hiểu được rằng đời người chẳng có con đường nào là tắt
Năm 2015, thị trường cổ phiếu Trung Quốc trải qua biến động lên xuống thất thường, nhiều nhà đầu tư không chịu được áp lực đã chọn cách tự tử sau khi cổ phiếu hạ giá đột ngột.
Cũng năm ấy, tỉ lệ sinh viên tham gia đầu cơ cổ phiếu đạt mức cao nhất trong lịch sử. Theo điều tra của Tân Hoa Xã về tình hình sinh viên trong cả nước tham gia đầu cơ cổ phiếu, có 31 phần trăm sinh viên tham gia điều tra là đầu cơ cổ phiếu, trong đó 26 phần trăm sinh viên đã đầu tư trên 5 vạn tệ.
Tỉ lệ này có thể miêu tả bằng từ “đáng kinh ngạc”. Cứ 10 sinh viên thì có 3 người đầu cơ cổ phiếu, trong số này bao gồm cả tôi. Đúng vậy, năm 2015 tôi ôm ấp suy nghĩ thừa cơ để kiếm lời, đầu quân vào thị trường cổ phiếu, đã trải nghiệm những niềm vui khi một ngày kiếm nghìn tệ, cũng trải nghiệm nỗi đau khi một ngày tổn thất hàng nghìn tệ. Cảm xúc hoàn toàn lên xuống theo thị trường cổ phiếu, căn bản không có tâm trạng làm việc khác. Đầu cơ cổ phiếu đối với tôi nói riêng và đại bộ phận sinh viên nói chung giống như đánh bạc, không có cơ sở kiến thức chuyên ngành, đến đường biểu đồ K cơ bản cũng không hiểu, đem thắng thua giao phó cho vận mệnh. Tôi cũng nhờ may mắn, cuối cùng cơ bản không có tổn thất. Nhưng những trải nghiệm như đi tàu điện siêu tốc này khiến tôi một lần nữa hiểu rõ đạo lí: Chuyện một đêm phát tài là có thật, nhưng không liên quan đến tôi. Trên thế giới này có đường tắt, nhưng cơ bản không phù hợp với tôi và phần lớn mọi người.
Tôi bắt đầu thử làm nghề tay trái, một là phát tờ rơi, mỗi ngày chỉ được 50 tệ, nhưng lại là thu nhập thực chất; hai là giao hàng nhanh, mỗi lần chỉ được một tệ phí phục vụ, nhưng làm nhiều hưởng nhiều, an tâm và chắc chắn.
Con đường tắt chính là chăm chỉ nỗ lực sau khi hiểu được rằng đời người chẳng có con đường nào là tắt cả. Có vị khách mời trong chương trình Cuộc chiến bảo vệ hôn nhân từng nói: “Con người à, không thể cứ mong đi đường tắt. Bạn cho rằng bạn đi được một con đường gần hơn, nhưng không may lại là con đường rẽ, không cẩn thận lạc lối vào đường tà. Chiếc bánh từ trên trời rơi xuống cũng không nên quá ham, thường là những thứ ông trời không thích ăn mới ném xuống, biết đâu ẩn trong đó là một cái đinh có thể làm gãy răng.”
Cho nên, thứ dễ dàng có được chưa chắc là thứ tốt. Nỗ lực bằng chính sức mình, tích góp từng chút thực lực, đó mới là con đường tắt thực sự.
Điều tôi chiêm nghiệm được qua nhiều năm chính là ngoài việc chúng ta cực khổ nỗ lực, thì con đường tắt tốt nhất chính là chọn được phương hướng đúng đắn.
Những tấm gương “ngã ngựa” vì theo đuổi đường tắt một cách không có phán đoán, không có giới hạn nhiều vô kể: những quán ăn dùng dầu thải để kiếm thêm tiền, cuối cùng sẽ bị thực khách nhận ra. Nhà thầu cắt xén nguyên vật liệu để giảm chi phí, nhẹ thì chất lượng kiến trúc không đạt chuẩn, nặng thì trả giá bằng sinh mạng... Rất nhiều con đường tắt, thoạt nhìn có vẻ rất tốt, có thể giúp chúng ta đạt được lợi ích trong chốc lát, nhưng hậu quả chúng ta gánh không nổi. Làm ngành nghề nào cũng phải nói đến một chữ “tín”, làm việc dựa trên lương tâm, không có ai là ngu ngốc, thời gian sẽ giúp chúng ta chứng minh tất cả.
Thay vì cực khổ tìm kiếm đường tắt, chi bằng thực sự tĩnh tâm lại, cố gắng hơn một chút, nỗ lực hơn một chút. Vẫn là câu nói đó, bạn nhất định phải nỗ lực hết sức mới có thể thấy những gì mình bỏ ra là xứng đáng!

Bình luận