Vương Vĩnh Bân trong tác phẩm “Chuyện đêm bên bếp lửa” có viết: “Thân chưa từng đói rét, cha mẹ chưa từng để ta thiệt thòi. Người không tiến bộ, lấy gì đền đáp mẹ cha.” Hơn hai mươi chữ, từng chữ khắc ghi trong tim, có nỗi xót lòng khó diễn đạt bằng lời.
Khái niệm “gia đình”
Tôi sinh ra ở một thị trấn nhỏ, lên thành phố đi học, đây cũng là lần đầu tiên tôi rời xa bố mẹ. Khi mới đến nơi đây, tôi cảm thấy mọi thứ đều vô cùng tươi đẹp, từ những món ăn khiến người ta thèm thuồng đến những trung tâm thương mại với đủ loại kiến trúc kì lạ, nhưng mỗi khi tiêu xài phung phí, tôi không tránh khỏi nghĩ tới bố mẹ ở quê nhà bôn ba cực khổ kiếm sống. “Bố mẹ hãy còn sống tạm bợ, mình lại tiều xài phóng túng ở vùng đất xa xôi” – cảm giác tội lỗi này trong tôi vô cùng lớn.
Bố mẹ nói muốn đến thăm tôi từ lâu, nhưng đều vì công việc quá bận rộn nên không thể thực hiện. Lúc nhỏ, tôi luôn muốn khi trưởng thành sẽ đi chu du khắp thế giới, nhưng bây giờ khi vẫn chưa đi được mấy nơi, đã bắt đầu nhớ thị trấn nhỏ nơi mình sinh ra và lớn lên, không lưu luyến núi sông, lại chỉ nhớ người ở đó. “Gia đình” đối với tôi luôn là sự tồn tại của người thân, chứ không phải một căn nhà.
Có người hỏi: “Là con một thì sợ nhất điều gì?”
Trên Weibo có người trả lời: “Sợ chết, nhưng càng sợ rời xa bố mẹ hơn. Tôi khao khát kiếm tiền, bởi vì bố mẹ chỉ có thể dựa vào một mình tôi.”
Câu nói này không biết đánh trúng tâm lí của bao nhiêu người là con một trong gia đình. Xưa nay tôi luôn suy nghĩ về mối quan hệ giữa mình và bố mẹ, có lúc muốn nói với họ tôi là một cá thể, muốn có sự độc lập, muốn hoàn toàn sống theo ý muốn của mình, nhưng lại sợ làm họ đau lòng.
Nguồn gốc những day dứt trong lòng bắt nguồn từ sự mất cân bằng giữa cái được và cái mất. Tình yêu của bố mẹ với chúng ta càng vô tư, cái chúng ta có được cũng sẽ càng nhiều, những day dứt nảy sinh cũng sẽ càng nhiều. Muốn giảm bớt áy náy trong lòng, thì phải bắt đầu từ sự hi sinh, làm cho hai bên đạt được trạng thái cân bằng.
Chúng ta đều có thể làm gì đó để duy trì sự cân bằng
1. Chăm sóc tốt bản thân
Lúc niên thiếu, sức khỏe tôi không tốt, bị bệnh dạ dày nghiêm trọng, mỗi lần nghỉ đông trở về nhà bố mẹ đều xót xa vì cân nặng của tôi. Mẹ tôi đau lòng hơn cả, có lúc tôi nhìn thấy bà lén lau nước mắt.
Thời gian thật đáng sợ, tôi còn chưa trưởng thành, bố mẹ đã già rồi. Cho nên, chúng ta khi trưởng thành, trước tiên phải học cách chăm sóc tốt bản thân mình, đừng để bố mẹ lo lắng, đừng đem sức khỏe ra làm trò đùa. Ăn sáng đúng giờ, ngủ sớm dậy sớm, tập luyện thể dục thường xuyên. Có chăm sóc tốt cho bản thân, chúng ta mới có thể chăm sóc tốt cho bố mẹ, yêu bản thân cũng là yêu bố mẹ.
2. Nỗ lực học tập và làm việc
Thời gian trước cơ quan mẹ tôi thu xếp cho nhân viên đi du lịch Lệ Giang. Tôi cũng không hiểu tại sao bản thân mình còn chưa đủ cứng cáp đã lại lo nghĩ nhiều đến thế. Cũng có thể do xem kênh pháp luật quá nhiều, tôi lo lắng mẹ bị lừa. Trước khi mẹ đi, tôi dặn dò mẹ chú ý đủ chuyện, nhưng vẫn luôn cảm thấy còn thiếu thứ gì đó, mắt phải nhấp nháy liên hồi. Đúng như dự đoán, một ngày trước khi kết thúc chuyến đi, bố đột nhiên gọi điện thoại báo cho tôi biết điện thoại của mẹ đã bị trộm mất.
Tôi cảm thấy bất lực, lại càng trách bản thân không dặn dò mẹ cho kĩ. Mẹ tôi thường vứt điện thoại bừa bãi, nhắc biết bao lần vẫn chưa sửa được. Biết rằng bà sẽ vì chuyện này mà mất ngủ cả đêm, tự trách mình vì đã sơ ý để mất điện thoại, tôi chỉ biết ngay lập tức an ủi bà đừng buồn.
Hôm đó, tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại mới bằng số tiền tích góp được từ việc làm thêm bên ngoài. Khoảnh khắc ấy, bỗng nhiên tôi thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng. Hóa ra, sự áy náy với bố mẹ có thể được hóa giải bằng nỗ lực của bản thân mình.
Có thể kịp thời bù đắp khi xảy ra những việc ngoài ý muốn, giảm bớt nỗi phiền lòng của bố mẹ vì chuyện đó. Có thể mua một vài món quà vào ngày lễ, nhìn nét mặt đầy hạnh phúc của bố mẹ, đồng thời nghe họ trách cứ đứa con tiêu tiền phung phí bằng giọng dịu dàng. Có thể chủ động trả tiền khi cùng mẹ đi chợ mua đồ... Đó là niềm hạnh phúc vô bờ.
3. Hãy lắng nghe mong muốn của bố mẹ nhiều hơn
Khi tuổi tác tăng dần, bố mẹ nhiều khi vô ý tức giận với con cái. Kể ra cũng thật buồn cười, bố tôi thường trách tôi vào những ngày lễ chỉ mua quà cho mẹ mà không mua cho ông. Đương nhiên, những lời ấy ông sẽ không trực tiếp nói trước mặt tôi mà đều do mẹ nói với tôi.
Những người cha thường không giỏi ăn nói, cảm giác họ đem lại cho chúng ta là một vẻ “không quan tâm”. Khi bạn nói muốn tặng ông thứ gì đó, ông sẽ luôn xua tay nói mình không thiếu cái gì. Nhưng khi bạn về nhà mang cho ông một chiếc máy cạo râu chạy bằng điện hay một bình rượu ông thích, thì ông không thể giấu được vẻ hạnh phúc trên gương mặt.
Nhớ ngày sinh nhật của bố mẹ, thường xuyên gọi điện thoại về nhà, kể cho họ về cuộc sống của bạn, đừng chỉ báo chuyện vui mà giấu chuyện buồn, cũng đừng chỉ than chuyện buồn mà quên chuyện vui, làm như vậy sẽ khiến bố mẹ càng lo lắng. Hãy kể cho họ hôm nay bạn phải ăn cháo gạo kê, hôm khác được đi xem phim. Đừng luôn chỉ nói một câu: Đừng lo lắng, con sống rất tốt. Chia sẻ một cách đơn giản về cuộc sống riêng của mình với bố mẹ, cũng là một cách thể hiện tình yêu của chúng ta với họ.
Lời kiến nghị với cha mẹ
Tôi cũng kiến nghị các bậc cha mẹ của chúng ta, nên bồi dưỡng sở thích, hứng thú của bản thân, xây dựng cuộc sống của riêng mình.
Nếu gọi những đứa trẻ cứ suốt ngày quấn quít với bố mẹ là “bảo bối của mẹ”, thì mẹ tôi – thậm chí phần lớn những người mẹ trong các gia đình con một – đều được coi là “bảo bối của con”. Chúng ta chính là trung tâm cuộc sống của họ, nói cách khác, mọi thứ họ đều lấy chúng ta làm trung tâm.
Ở đây, tôi thật sự muốn kêu gọi những người mẹ “bảo bối của con”, hãy nuôi dưỡng sở thích, hứng thú của bản thân mình. Buổi tối ra quảng trường khiêu vũ, tìm các dì các mợ gần nhà nói chuyện tâm sự, khi rảnh rỗi hẹn mấy người bạn ra ngoài uống trà, tản bộ. Các bậc cha mẹ thích nuôi thú cưng hãy nuôi một con chó nhỏ hoặc một con mèo nhỏ, làm một “người bạn, người dọn nhà” để phân tán sự tập trung của mình.
Ngoài ra, nếu bạn thường có cảm giác áy náy với bố mẹ, cũng thường cảm thấy hổ thẹn tự trách, vậy hãy cố gắng hoàn thiện bản thân mình. Xét từ góc độ tâm lí học, nếu biết tận dụng sự day dứt trong lòng, thì ngược lại nó sẽ là động lực để chúng ta hoàn thiện chính bản thân.
Học viện kinh doanh thuộc Đại học Stanford đã tiến hành một cuộc điều tra về cảm giác áy náy. Kết quả cho thấy, cảm giác áy náy có quan hệ mật thiết với cảm giác trách nhiệm. Người có cảm giác áy náy càng mạnh sẽ sinh ra cảm giác trách nhiệm càng lớn, cảm giác này sẽ thúc giục con người phấn đấu, cho con người động lực bất tận. Vì vậy, nếu có cảm giác áy náy phù hợp và có thể chịu áp lực mà cảm giác áy náy ấy gây ra, thì khi đó cảm giác áy náy ngược lại sẽ là công cụ vô cùng sắc bén thúc đẩy chúng ta trưởng thành.
Cuối cùng sẽ có một ngày, bạn và tôi đều có thể đưa bố mẹ mình cùng đến những miền xa xôi.
Bố mẹ còn, không nên đi xa, nếu đi hãy biết cách. Thân chưa từng đói rét, cha mẹ chưa từng để ta thiệt thòi. Người không tiến bộ, lấy gì đền đáp mẹ cha. Chỉ có cách nỗ lực phấn đấu, gắng sức vì tương lai. Mong bạn và tôi đều trở thành những người con tốt hơn, mong các bậc cha mẹ trên thế gian này đều khỏe mạnh, luôn vui vẻ và luôn được đối xử dịu dàng.
Bình luận