Chương 4. Đối nhân xử thế - Phần 1. Hãy bao dung sự không bao dung của người khác

icon
icon
icon

Bao dung sự không bao dung của người khác, không phải là mềm yếu, chũ là học cách thấu hiểu người khác. Hơn hết cũng chính là khoan dung với bản thân mình, không lấy sai lầm của người khác để trừng phạt mình. Nhiều khi, chũ cần đổi vị trí suy nghĩ là có thể có được cách giải thích hợp lí và thấu hiểu cho người khác.
Thấu hiểu khác với đồng tình
Chúng ta thường nói, phải học bao dung, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó thường không kìm được tức giận. Suốt mấy ngày nay, tôi luyện tập cực khổ ở trường dạy lái xe, hàng ngày phơi mình dưới trời nắng gay gắt, thỉnh thoảng được một trận gió thổi qua nhưng cũng chỉ là một luồng hơi nóng như nồi hấp, bộ đồ chống nắng căn bản chỉ là đồ trang trí. Những thứ đó cũng chẳng nhằm nhò gì, quan trọng nhất là trước khi đi học lái vẫn luôn cảm thấy chỉ số thông minh của mình không đến nỗi nào, mà bây giờ bị người huấn luyện mắng té tát đến mức thấy mình không đáng sống trên đời này.
Những cô gái mềm yếu một chút thậm chí có thể bị mắng đến phát khóc. Tiểu Mẫn chính là một trong số đó. Cô ấy xuống xe, nước mắt đầm đìa ngồi bệt ngay xuống đất, hai tay bưng mặt, cố gắng nén tiếng khóc, đến mức đôi vai run lên từng hồi.
Nhóm bạn học vây quanh an ủi, nói với cô ấy rằng ở trường dạy lái xe đều như vậy, quen rồi thì chẳng vấn đề gì.
Tiểu Mẫn ấm ức khóc, nói không ra tiếng: “Nguyên cớ, nguyên cớ… gì cơ chứ? Mỗi việc học lái xe mà bị mắng chửi như vậy, không thể… không thể nói tử tế với nhau sao...”
Cho đến bây giờ tôi vẫn cứ băn khoăn, tại sao đa số huấn luyện viên cứ phải mang cái vẻ như người khác mắc nợ họ? Đại bộ phận học viên đều là lần đầu tiên học lái, chưa có một chút kinh nghiệm nào, mỗi ngày cứ luân phiên nhau đợi đến lượt tập xe của mình, tổng thời gian thực hành thậm chí không được 20 phút. Tại sao huấn luyện viên không thể khích lệ nhiều hơn?
Những câu này tôi không dám hỏi huấn luyện viên, tôi hỏi bố tôi. Là một tài xế, ông đã tiếp xúc với xe cộ cả đời, có lẽ sẽ biết một chút tình hình thực tế.
Bố hỏi tôi: “Nếu con cả năm cả tháng cả ngày đều dạy đi dạy lại hơn nghìn học viên cùng một nội dung, con có chán không?”
“Có thể có, nhưng con có lẽ sẽ không mắng họ.”
“Những kì thi bình thường, nếu không nắm kiến thức chắc chắn, toàn diện, sau này có thể gặp phải trở ngại, nhưng không đến mức gây ra nguy hiểm với tính mạng. Thi bằng lái thì khác. May mắn vượt qua kì thi bằng lái thì phải ra đường, phải có trách nhiệm với sinh mệnh của bản thân và người khác. Huấn luyện cho học viên thành thạo, chắc chắn, có kĩ năng thao tác vững vàng, đó mới là sự tôn trọng thực sự dành cho học viên.”
Mặc dù vẫn không tán thành kiểu cư xử của huấn luyện viên, nhưng tôi dường như đã có thể hiểu cho sự nóng nảy của họ. Công việc nhàm chán lặp đi lặp lại quanh năm khiến thể xác và tinh thần họ mệt mỏi, lại thêm đặc tính của ngành nghề khiến họ không dám lơ là. Có lẽ họ cũng hiểu rằng khích lệ sẽ làm người ta cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nghiêm khắc dễ tạo nên thành tích hơn, và thế là không ai bảo ai đều chọn cách thứ hai.
Đây có lẽ chính là một kiểu bao dung. Bao dung sự không bao dung của người khác, không phải là mềm yếu, chỉ là bắt đầu học cách thấu hiểu người khác. Hơn hết chính là khoan dung với bản thân mình, không lấy sai lầm của người khác để dày vò mình. Nhiều khi, chỉ cần đổi vị trí suy nghĩ là có thể có được cách giải thích hợp lí và thấu hiểu cho người khác.
Tác dụng kì diệu của việc đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ
Nếu bạn thích mặc quần bò rách, chắc là bạn sẽ gặp phải tình huống như dưới đây: Một lần đi tàu hỏa, tôi vô tư mặc một chiếc quần bò rách lên tàu. Ngồi đối diện tôi là một cặp vợ chồng tóc bạc trắng, cụ bà liên tục nhìn về phía tôi, vỗ cụ ông ngồi bên cạnh bảo ông ấy nhìn chiếc quần rách của tôi. Hai người không ai bảo ai cùng tỏ vẻ không vui, thậm chí tôi láng máng nghe được cụ ông lẩm bẩm một câu: “Bọn trẻ ranh bây giờ, thật không hiểu nổi hàng ngày nghĩ gì, quần đang lành lặn lại đi cào rách.”
Đứng bên cạnh chắc là con gái của họ, sau khi nghe vậy tròn mắt nhìn hai cụ già, ngại ngùng nhìn về phía tôi tỏ ý xin lỗi.
Tình huống như vậy phải chăng bạn cũng thỉnh thoảng gặp phải, chỉ vì một cách ăn mặc, một sở thích của bản thân – ví dụ rất nhiều bạn thanh thiếu niên thích chơi Cosplay2, mà luôn gặp phải hiểu lầm.
Đối mặt với những sự không bao dung như thế, nếu chúng ta hùng hồn đứng lên phản bác, đa phần sẽ không có tác dụng. Thờiđại khác nhau, trải nghiệm khác nhau, quan niệm, khiếu thẩm mĩ của mỗi người khác nhau, bạn không có cách nào thay đổi quan niệm của một người lạ, càng không thể khiến họ thỏa hiệp trong thời gian ngắn.
Bao dung sự không bao dung của người khác là đứng ở vị trí của người khác, đứng ở góc độ của họ để suy nghĩ.
Nếu bạn từng sống ở thời kì người người thiếu ăn thiếu mặc, cơm không đủ no thì việc mặc những chiếc quần rách ở thời điểm đó chính là vì đói nghèo, chứ nói gì đến mốt thời thượng.
Im lặng cũng là một kiểu bày tỏ
Lên đại học, bệnh dạ dày của tôi đã được cải thiện tương đối so với hồi cấp ba. Nhưng thỉnh thoảng dạ dày co thắt, cơn đau như dao cứa vẫn có thể khiến tôi lăn lộn trên mặt đất. Tôi nhờ bạn cùng phòng xin phép nghỉ học giúp, người bạn đó cười như thể nhìn ra “mưu kế” của tôi, nói: “Không muốn lên lớp thì nói thẳng đi, cùng một ruộc cả.”
Tôi đau đến mức thực sự không muốn phản bác. Người bạn cứ thế quay đi với vẻ đắc ý, tự cho rằng mình đã nhìn ra mánh khóe của người khác.
Thậm chí có một lần tôi xin nghỉ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm đã buông một câu: “Lại xin nghỉ à?” Tôi không biết nên đáp lại thế nào. Bỗng nhiên cảm thấy một nỗi oan ức và đau khổ khó mà nói rõ. Đau đớn trên cơ thể có thể chịu đựng, nhưng nỗi đau bị người khác hiểu nhầm giống như một chiếc roi sắt tàn nhẫn quất vào tim.
Tôi trở nên ngày càng tự ti, không dám đối diện với giáo viên chủ nhiệm, không dám đối diện với bạn cùng phòng. Cảm thấy họ sẽ coi thường tôi, thậm chí cô lập tôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu đổi lại là tôi, tôi sẽ làm thế nào?

Người chưa từng trải qua, mãi mãi sẽ không hiểu sự việc đó sẽ mang lại tổn thương hay vui vẻ. Tôi thử yêu cầu bản thân không quá phán xét cuộc sống của người khác, cũng không có tư cách yêu cầu người khác như vậy.
Khi chúng ta đối mặt với sự hiểu lầm, đối mặt với gièm pha, trước tiên đừng lập tức phản bác, hãy tĩnh tâm lại nghe thử rốt cuộc họ phê bình bạn điều gì trước, sau đó xét bản thân mình xem có thực sự tồn tại vấn đề như thế hay không. Nếu như có, cẩn trọng suy nghĩ xem có phải do quan niệm khác nhau. Nếu như không có, cũng không cần hung hăng lớn tiếng phản bác. Mọi thứ tùy việc mà xem xét, không nên để mất lí trí, phải học cách tổng kết, suy xét vấn đề.
Gặp phải sự không bao dung, hãy nuốt những lời oán trách đó vào, hãy vứt bỏ uất ức đi, có lúc, im lặng mới là cách biểu đạt tốt nhất.
Mỗi chúng ta đều không phải là thánh nhân, khó tránh phạm khuyết điểm. Đối diện với chỉ trích của người khác, nếu bạn thực sự có những vấn đề như thế, trái lại cần cảm ơn lời phê bình thẳng thắn của họ vì đã giúp bạn nhận ra thiếu sót của bản thân mình. Nếu vấn đề họ chỉ trích là sai, sao bạn phải phí lời với người như vậy, trách móc quá mức khuyết điểm của họ sao? So với oán hận trách móc, chi bằng đơn giản đáp lại bằng nụ cười bao dung với người khác.

Bình luận