Chúng ta thường có thói quen tung hô người có ước mơ và thực hiện được ước mơ, nhưng lại ít người cổ vũ cho bản thân mình, cho những người nỗ lực sinh tồn.
Chị Phượng chỉ trích Vương Tư Thông
Gần đây, một câu nói của “người chồng quốc dân” Vương Tư Thông khiến nhiều người tức giận. Trên sân thi đấu ở thế vận hội thể thao Rio de Janeiro, vận động viên Tôn Dương bị vận động viên Mack Horton của I-ta-li-a công khai làm nhục, Mack Horton chỉ trích vô căn cứ rằng Tôn Dương dùng chất kích thích, sự kiện này lập tức xôn xao dư luận. Nhưng nhân vật lập dị (nói dễ nghe chút là dám nói dám làm) Vương Tư Thông lại lên tiếng nói rằng, sao phải bắt người khác xin lỗi, đây đúng là thói xấu của người Trung Quốc, người nước ngoài xưa nay không chơi như vậy.
Lời bàn của Vương Tư Thông có thể có lí, nhưng khi mà mọi người đang phẫn nộ, họ lập tức cùng nhau lên án, trong đó gồm cả nick name “chị Phượng” (một hiện tượng mạng nổi tiếng ở Trung Quốc) công khai đăng bài phê bình Vương Tư Thông.
Nội dung không nằm ngoài việc chỉ trích Vương Tư Thông chẳng qua là tốt số, cái gọi là thành công đều nhờ vào danh tiếng của bố, nếu không phải như vậy, anh ta không thể đạt được thành tựu như hiện nay. Vốn dĩ tôi không quá quan tâm với kiểu bài viết như thế này, nhưng trong đó có một câu khiến tôi lưu tâm: “Trên đời có hai kiểu người. Kiểu thứ nhất giống như tôi, xuất thân từ gia đình nông dân, rõ ràng đã phải dốc hết sức lực để sống. Một loại khác chính là người giống như Vương Tư Thông, có thế lực to lớn có thể nhờ cậy, chẳng cần phải nỗ lực cũng có nguồn tài nguyên dồi dào bợ đỡ anh ta.”
Đúng vậy, đa số chúng ta đều xuất thân bình thường, không có gia thế hiển hách, vì sinh tồn mà phải dốc hết sức lực. Chúng ta thường tung hô các doanh nghiệp, các nhà khoa học có ước mơ, nhưng những người nỗ lực để sinh tồn cũng đáng được chúng ta cổ vũ chứ.
Giấc mơ đến Bắc Kinh của Chu Tịnh
Trước một trận bão lớn, anh nhân viên giao hàng vì chậm nửa giờ mà bị khách hàng mắng chửi, vị khách hàng thẳng tay ném đồ ăn sang một bên. Anh nhân viên giao hàng khoác bộ đồ ướt nhẹp từ đầu đến chân, nhặt gói hàng lên bước từng bước ra ngoài, rồi biến mất khỏi tầm nhìn, phía bên ngoài chắc chắn là một trận mưa bão đang chờ anh ấy.
Đài truyền hình Hồ Nam có một chương trình tên là “Nỗi nhớ mong của người mẹ”, mỗi kì đều bí mật ghi lại cuộc sống của một người bình thường, sau đó cho mẹ của họ xem đoạn ghi hình, thời gian cuối chương trình sắp xếp cho mẹ con gặp nhau, vui mừng khôn xiết.
Một trong số khách mời của chương trình đó tên là Chu Tịnh, một người đến Bắc Kinh mưu sinh. Công việc của anh là giao hoa tươi. Do thị trường cạnh tranh khốc liệt, để không giống với người giao hoa bình thường mà chúng ta hay gặp, Chu Tịnh khi giao hoa sẽ hóa trang thành chú hề. Vì người mua hoa đa phần là tặng bạn gái hoặc chúc mừng sinh nhật, Chu Tịnh còn phải chuẩn bị hai ba tiểu xảo ảo thuật đơn giản để biểu diễn.
Để không khiến bố mẹ lo lắng, Chu Tịnh không tiết lộ sự thật với họ. Anh giấu mẹ nói rằng mình ở Bắc Kinh biểu diễn, đóng vai chú hề. Chu Tịnh là một người sống vô tư, từ bé đã thích biểu diễn, và cũng từng giành được một vài giải thưởng trong các cuộc thi nhỏ, anh ấy nói với mẹ mình đến Bắc Kinh tìm kiếm ước mơ làm diễn viên, mẹ anh ấy ngày ngày ở nhà đều tưởng tượng cảnh con trai mình biểu diễn trên sân khấu.
Khi đoạn ghi hình được phát trước mặt mẹ của Chu Tịnh, khách mời đoán Chu Tịnh có thể không phải là diễn viên mà là một nhân viên chuyển phát nhanh hoa tươi đóng thành chú hề, người mẹ lập tức phủ nhận dự đoán của khách mời.
Đoạn băng tiếp tục phát, và thực tế đúng như vị khách mời đã đoán, Chu Tịnh chính là một nhân viên chuyển phát nhanh hoa tươi, không hề diễn trên sân khấu nào cả. Mỗi ngày đồng hành với anh chỉ có một chiếc xe ba bánh, một bộ hóa trang chú hề, ở đâu có khách hàng anh ấy được phân công đến đấy.
Đoạn băng ghi lại khách hàng đầu tiên của Chu Tịnh hôm đó là một chàng trai, để níu kéo bạn gái, đã đặt mua một bó hoa, rồi yêu cầu thêm Chu Tịnh biểu diễn một vài trò để dỗ dành bạn gái vui vẻ. Chu Tịnh đã biểu diễn màn ảo thuật của mình, nhưng người bạn gái đó vẫn không hề đổi ý, khách hàng cho rằng kĩ thuật của Chu Tịnh quá kém, lập tức trách mắng anh ấy. Chu Tịnh có chút lúng túng, một mình đứng trơ ra đấy không nói gì, may mà bạn gái của vị khách lương thiện, đã đứng ra hòa giải. Đơn hàng đầu tiên của Chu Tịnh hoàn thành trong sự chỉ trích như thế.
Đơn hàng thứ hai là gửi hoa cho một bạn trong ngày sinh nhật, Chu Tịnh bị người ta kéo vào ép uống rượu. Vì phải lái xe, Chu Tịnh khéo léo khước từ, đối phương không chịu bỏ qua. May có trò ảo thuật nhỏ, ngoài ra còn tặng một bài hát chúc mừng sinh nhật mà đã tránh được việc khó xử, thuận lợi thoát ra khỏi căn phòng.
Đơn hàng thứ ba, màn đêm đã buông xuống, Chu Tịnh giao hoa tươi cho khách hàng cuối cùng. Đã đến đúng giờ và điểm hẹn mà vẫn không thấy khách hàng xuất hiện, một mình Chu Tịnh đứng ở cổng bảo vệ đợi rất lâu mới nhận được hồi đáp của khách hàng. Xong việc, trời đã tối mịt, giữa Bắc Kinh rộng như vậy, Chu Tịnh mặc bộ đồ chú hề một mình đi trên đường. Lúc đó người mẹ bất chợt gọi điện hỏi Chu Tịnh đã ăn cơm chưa, Chu Tịnh lập tức ổn định tâm trạng, cười đáp: “Ăn rồi, ăn rất ngon, cơm suất, mẹ đừng lo lắng, mẹ…”
Tôi không kìm nổi, đã bật khóc. Cuộc đời này vẫn không công bằng như vậy, có người mới ra đời đã có chìa khóa vàng, còn đa số đều phải dốc hết sức lực để sinh tồn như Chu Tịnh.
Có thể có những người phấn đấu cả một đời cũng không bằng xuất phát điểm của người khác, nhưng họ đều không bỏ cuộc. Vì sự kiên định trong lòng, vì sinh tồn, một mình bôn ba nơi thành phố xa lạ. Mưu sinh ở Bắc Kinh, mưu sinh ở Thượng Hải, bất kì một thành phố lớn hay vùng đất nhỏ nào, số người thức khuya dậy sớm vì mưu sinh giống như Chu Tịnh cũng không phải là ít.
Chúng ta thường quen tung hô người có có ước mơ và thực hiện được ước mơ, nhưng lại ít người cổ vũ cho bản thân mình và những người nỗ lực để sinh tồn.
Lí luận nhu cầu của Abraham Maslow
Năm 1943, trong tác phẩm “Lí luận về động cơ của con người”, nhà tâm lí học người Mĩ - Abraham Maslow chia nhu cầu của con người thành năm loại theo cấp độ từ thấp đến cao, bao gồm: nhu cầu sinh lí, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã giao, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự khẳng định mình.
Lí luận rất dễ hiểu, nói rằng chúng ta chỉ khi được giải phóng khỏi sự khống chế của nhu cầu sinh lí, mới có thể xuất hiện nhu cầu ở cấp cao hơn, có mức độ xã hội hóa cao hơn, như nhu cầu an toàn. Đa số chúng ta (bao gồm Chu Tịnh) đều là vì nhu cầu sinh lí và nhu cầu an toàn mà ngoan cường chống chọi, muốn có được một công việc với mức lương và đãi ngộ cao hơn, muốn tìm một cơ quan có thể cung cấp bảo hiểm và chi phí nhà ở cho bản thân mình, để cho bản thân một sự bảo đảm.
Lúc mệt mỏi thường than vãn cuộc sống không dễ dàng, để sinh tồn thật khó, nhưng lại cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp, có bố mẹ yêu thương chúng ta, có anh em, chị em, có âm nhạc và điện ảnh mà ta yêu thích. Trong cuộc sống bình thường, chúng ta cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm một chút cảm giác tồn tại.
Hãy cổ vũ ước mơ, càng nên cổ vũ người nỗ lực vì cuộc sống. Này bạn, bất kì khi nào, trong gia đình luôn có người đang nhớ mong bạn. Bạn một mình ở bên ngoài, hãy chăm sóc tốt bản thân. Mong bạn và tôi đều có thể tiếp tục sinh tồn, tiếp tục sống!
Nếu có thể, lần sau gặp người công nhân vệ sinh môi trường, hãy đưa cho họ một chai nước. Nếu có thể, lần sau gặp anh giao hàng hoặc anh xe ôm, hãy bớt làm khó họ một chút, thấu hiểu họ hơn một chút, nói một câu cảm ơn.
Cố lên, những con người bôn ba vì cuộc sống, cầu chúc cho họ an lành.
Bình luận