Quá trình thành công của một người giống như một bộ phim, chúng ta đương nhiên là nhân vật chính trong bộ phim này. Nhưng muốn bộ phim đặc sắc hơn, ngoài diễn xuất tuyệt vời của nhân vật chính, còn cần nỗ lực cực khổ của vô số người sau hậu trường, trong đó có những người thầy của chúng ta.
Người thầy rốt cuộc giỏi ở điểm nào
Từ khi sinh ra, nhân vật thầy giáo đã cùng chúng ta trưởng thành. Trước khi đi nhà trẻ, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của chúng ta. Lớn lên, chúng ta bắt đầu tiếp nhận hệ thống giáo dục truyền thống. Đến khi bước vào xã hội, những đàn anh đàn chị trong ngành, những người đã từng chỉ bảo chúng ta, đều là thầy của chúng ta, có lúc bản thân chúng ta cũng trở thành thầy của người khác.
Lúc nhỏ chúng ta đều sợ giáo viên, cho rằng giáo viên thích đánh người, thậm chí cảm thấy đánh học sinh là nghề chính của giáo viên, dạy học chẳng qua là vỏ bọc họ khoác bên ngoài. Khi trưởng thành, tôi bắt đầu suy nghĩ vậy rốt cuộc người thầy là người như thế nào.
Có lúc, tôi đột nhiên thốt lên, giáo viên của chúng ta giỏi hơn trong tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Không phải bởi họ có địa vị xã hội cao như thế nào, hay sở hữu khối tài sản đáng ngưỡng mộ như thế nào. Giáo viên chẳng qua là một người thầy dạy học, sân khấu chính là bục giảng nhỏ bé mà bạn và tôi vẫn nhìn thấy trong lớp học.
Như vậy, rốt cuộc giáo viên giỏi hơn bạn nghĩ ở điểm nào?
Hiện nay ở Trung Quốc, có rất nhiều trường đại học đều quy định rõ ràng trình độ thấp nhất của giảng viên đại học là tiến sĩ tốt nghiệp các trường đại học hạng nhất trên thế giới. Thậm chí ở quê tôi, một trường đại học tốp hai bình thường cũng yêu cầu tiến sĩ tốt nghiệp trường đại học trọng điểm quốc gia mới có thể đứng trên bục giảng. Còn nếu tốt nghiệp thạc sĩ, hoặc chỉ là tiến sĩ một trường bình thường, muốn ở lại trường đại học, thì bạn chỉ có thể làm giáo viên phụ đạo, hoặc công việc hậu cần.
Cho nên, nếu nói về kiến thức tích lũy, giáo viên đương nhiên bỏ xa chúng ta. Người học tiến sĩ ở trường đại học tốp đầu thế giới và trường trọng điểm quốc gia nhất định có điểm vượt trội hơn chúng ta, chúng ta chắc chắn cũng có thể hấp thu nguồn dinh dưỡng mà chúng ta cần từ họ. Giáo viên của chúng ta nhất định có điểm thiếu sót trên một vài phương diện nào đó, nhưng ở phương diện học thuật, tôi cảm thấy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng họ.
Quá trình thành công của một người giống như một bộ phim, chúng ta đương nhiên là nhân vật chính của bộ phim đó. Nhưng muốn bộ phim đặc sắc hơn, ngoài diễn xuất tuyệt vời của diễn viên chính, còn cần nỗ lực cực khổ của vô số nhân viên sau hậu trường, trong đó có người thầy của chúng ta.
Không nên dùng tiêu chuẩn của thánh nhân để yêu cầu giáo viên
Tôi không phải một đứa trẻ ngoan biết nghe lời. Hồi tiểu học, tôi vì cãi lại giáo viên mà phải mời phụ huynh đến. Khi đó còn nhỏ, cũng không biết suy nghĩ từ đâu ra, tôi cảm thấy việc dám cãi lại giáo viên là chuyện đáng tự hào, sẽ được bạn học ngưỡng mộ, bây giờ nghĩ lại chỉ cảm thấy ấu trĩ nực cười.
Nói đến đây nhất định có không ít người muốn phản bác, nói rằng bản thân họ từng gặp giáo viên rất kém. Tôi cũng từng gặp giáo viên đánh học sinh bị thương, bị nhà trường kỉ luật sa thải.
Nhưng mỗi tập thể đều có cả tốt lẫn xấu, chúng ta không thể đòi hỏi tất cả giáo viên trong tập thể lớn như vậy đều là thánh nhân, không bao giờ phạm lỗi. Đòi hỏi như thế quá khắt khe, thậm chí là không công bằng.
Giáo viên cũng là con người, bước xuống bục giảng, họ cũng có cuộc sống của riêng mình. Có thể giáo viên của bạn cũng thích chơi điện tử giống bạn. Có thể giáo viên của bạn chính là một con mọt sách, ngoài giờ dạy học chỉ ở nhà đọc sách.
Tôi chỉ là muốn hỏi, về phần bài giảng của họ, cuối cùng bạn tiếp thu được gì?
Quỷ vương vừa đáng sợ vừa đáng kính
Giáo viên dạy môn chuyên ngành của chúng tôi được đặt biệt hiệu là “Quỷ vương”, tỉ lệ không đạt trong kì kiểm tra cuối kì môn học của thầy chiếm tới 70%. Lần đầu tiên lên lớp môn học của thầy, trong lòng tôi thấp thỏm. Ngay tiết học đầu tiên, thầy đã thẳng thừng ra quy tắc, không được đến lớp muộn, không được ăn vặt, không được dùng điện thoại, bài kiểm tra cuối kì không có điểm tích luỹ thường ngày, toàn bộ dựa vào điểm kiểm tra, thi được bao nhiêu thì là bấy nhiêu, thi được 59 điểm cũng sẽ tuyệt đối không cho qua môn. Quy định này đặt ra có chút nực cười, là học sinh – không đến muộn, không trốn tiết, lên lớp giữ trật tự, kiểm tra dựa vào sức bản thân mà đạt điểm số xứng đáng, chẳng phải vốn là chuyện đương nhiên hay sao?
Thầy nói: “Tôi là một người tương đối thật, chúng tôi làm giáo viên không có mấy người ham công danh lợi lộc. Thành tích của các bạn không liên quan gì đến tôi, tôi có thể cho các bạn qua môn, cũng có thể chiếu PPT cho các bạn chép trong mỗi tiết học, kiểm tra cuối kì thì đánh dấu trọng tâm, cho các bạn nhẹ nhàng thi qua. Lương của tôi sẽ không vì thành tích cao hay thấp của các bạn mà thêm hay bớt. Nếu nói về công danh lợi lộc, giáo viên trường đại học kinh doanh chúng tôi từ lâu đã làm cố vấn cho các doanh nghiệp lớn, mức lương nhà trường trả cho chúng tôi đều không bằng số lẻ mà những chủ doanh nghiệp cho, nhưng chúng tôi vì sao vẫn muốn kiên trì ở lại trường, chẳng lẽ ở lại trường để đấu mưu đấu trí với các bạn?
Giáo viên không chỉ dạy kiến thức, nếu như toàn bộ hệ thống kiến thức của các bạn đến từ lời giảng của giáo viên, vậy thì rất đáng buồn. Có câu ‘Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân’, quan trọng vẫn là phải dựa vào bản thân. Tôi dạy các bạn kiến thức, tôi đã tận tâm, tôi không hổ thẹn với lòng mình, tôi tuyệt đối không vì quan điểm của tôi và các bạn khác nhau mà gào thét mắng chửi. Tuy rằng tôi là giáo viên, nhưng khi chúng ta giao lưu thì hoàn toàn bình đẳng, tôi tuyệt đối sẽ không để quan điểm của mình áp đảo các bạn, bạn có quyền bày tỏ. Nhưng bạn nên hiểu rõ bản thân bạn cần gì, bạn phải học cách có trách nhiệm với cuộc đời mình.”
Mong bạn sớm hiểu rằng học là học cho bản thân, hãy lên lớp đúng giờ, hoàn thành bài tập đúng hạn, tập trung nghe giảng, chăm chỉ ghi chép, cố gắng học tập, có vốn tích lũy kiến thức chuyên ngành. Chỉ như vậy, chúng ta sau khi tốt nghiệp mới có thể đĩnh đạc nói một câu: “Năm tháng đại học của tôi không uổng phí.”
Năm tháng đại học không nên phạm những lỗi sau
Nếu bạn muốn làm cho cuộc đời sinh viên của mình thêm nhiều màu sắc, vậy thì tôi – bằng những trải nghiệm thất bại trong cuộc đời sinh viên của mình, muốn khuyên các bạn tránh những điều dưới đây:
1. Không ăn sáng đều đặn
Lên đại học không còn mẹ giám sát, buổi sáng khi không có tiết học, tôi thường ngủ một mạch đến khi tự thức giấc; khi có tiết học cũng phải ngủ lười đến phút cuối cùng, tỉnh dậy, vội vàng súc miệng rồi chạy lên giảng đường, đợi đến lúc nghỉ giải lao mới chuồn xuống ăn cái bánh mì. Chưa đến nửa năm, bệnh dạ dày nghiêm trọng của tôi tái phát, có thể đau đến mức lăn lộn trên mặt đất.
Sức khỏe là vốn liếng vô cùng quý giá, tuyệt đối đừng ỷ bản thân còn trẻ mà tùy tiện phung phí. Đừng đợi đến khi không thể lấy lại mới hối hận không kịp.
2. Không rèn luyện thể thao
Ngày ngày gọi đồ ăn bên ngoài, cứ đến cuối tuần thì lại tiệc rượu, chưa đến một năm tôi đã nổi rõ bụng bia. Bạn cùng phòng chơi bóng rổ đều đặn mỗi tuần, hàng ngày kiên trì chạy bộ, bây giờ họ đã cơ bụng sáu múi.
Nếu có thời gian, hãy tham gia đội chạy của trường. Phải tin rằng, niềm vui mà chạy bộ đem lại cho bạn vượt xa tưởng tượng của bạn.
3. Không học cách quản lí tiền bạc
Chúng ta cơ bản đều lên đại học mới bắt đầu quản lí “khoản tiền khổng lồ” mỗi tháng. Ngày vui nhất mỗi tháng chính là ngày bố mẹ gửi tiền. Hôm đó định trước là đi ăn một bữa thịnh soạn, rồi thường chưa đến cuối tháng ví đã sạch trơn. Thỉnh thoảng bị ốm đi viện, mới nhận ra số tiền còn lại trong ví đến thuốc cảm cũng không mua được.
Khi có tiền, nhất định phải để dành một chút cho những lúc bất trắc cần đến. Hãy tải một phần mềm quản lí tài khoản, hoặc duy trì thói quen ghi chép lại, thử xem tiền mỗi tháng của mình đã tiêu vào đâu. Song song với việc giảm chi, hãy tìm cách tăng thu. Văn phòng định hướng việc làm của trường sẽ có cả đống việc làm thêm dành cho bạn. Chỉ cần chịu khó, bạn có thể kiếm được tiền tiêu vặt mỗi tuần.
Những bạn có thành tích học tập tốt cũng có thể làm gia sư, tri thức thực sự là sức mạnh. Cái gọi là “độc lập về kinh tế” nhờ dựa vào tiền của gia đình, nhất định không thể giúp bạn tài giỏi hơn!
4. Không tham gia câu lạc bộ
Khi mới bước chân vào đại học, bạn nhất định sẽ thấy thu hút bởi lời vận động của đủ loại câu lạc bộ khác nhau. Hồi đó, tôi ngốc nghếch cho rằng tham gia câu lạc bộ chẳng qua chỉ để nộp phí cho người ta, rồi dăm bữa nửa tháng tổ chức một buổi gặp gỡ, vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tiền của.
Cũng có những câu lạc bộ như thế thật, nhưng đại đa số câu lạc bộ có thể giúp bạn gặp rất nhiều người cùng chung chí hướng với mình. Bạn cùng phòng với tôi thích trượt patin, bèn đăng kí câu lạc bộ trượt patin, thành viên câu lạc bộ này buổi tối ở trong trường xếp thành một hàng dài, nghe nói mấy ngày trước họ bất ngờ tổ chức một cuộc thi Marathon bằng hình thức trượt patin, và họ đã làm được!
Hãy tham gia một câu lạc bộ bạn thích, gặp gỡ những người cùng chí hướng và làm những việc có thể giúp bạn nâng cao bất kì kĩ năng nào.
5. Không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng
Chuyên ngành của chúng tôi, mọi người sau khi tốt nghiệp đa phần sẽ lao vào kiểu công việc như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Tôi luôn cho rằng thời gian còn dài, khi người thân hỏi đã có kế hoạch gì chưa, tôi cứ thuận miệng trả lời một câu: “Không học nghiên cứu sinh, tốt nghiệp rồi thì ứng tuyển vào ngân hàng vậy.”
Anh rể hỏi tôi bây giờ có dự định gì rồi, nói tôi còn thời gian một năm. Một năm? Năm nay tôi mới năm thứ hai, vẫn còn hai năm nữa cơ mà. Tôi cho rằng anh rể nói sai còn vặn lại anh ấy.
Anh ấy hỏi tôi: “Thế em đã có kinh nghiệm thực tập chuyên ngành liên quan chưa?” Tôi lắc đầu. “Vậy người ta sao có thể tuyển em được? Bây giờ em không tranh thủ chuẩn bị, đến khi em tốt nghiệp lấy gì cạnh tranh với những người cùng tuổi đã có kinh nghiệm làm việc?”.
Nghĩ lại quả đúng như vậy, thật sự chỉ còn lại một năm thôi!
Cho dù tương lai bạn dấn thân vào ngành nào, đều phải có hiểu biết cơ bản về nó. Thay vì bỏ thời gian xem một bộ phim, hãy tìm hiểu yêu cầu của những nghề nghiệp có liên quan đến chuyên ngành bạn học, xem thử bản thân còn chỗ nào thiếu sót để tìm cách bổ sung, bù đắp.
6. Không đọc nhiều sách
Gần đây tôi bắt đầu thử sáng tác, thường là chưa viết được mấy câu đã hết cảm xúc. Nhìn những người có thể đổi mới từng ngày, tôi thực sự ngưỡng mộ, đọc văn của họ, thấy đủ mọi trích dẫn kinh điển, căn cứ xác thực. Còn bản thân mình thì sao? Ngoài viết vài lời vô căn cứ, chia sẻ cảm nhận của bản thân, thật sự không biết có thể viết gì nữa.
Trong thời gian học đại học, nếu bạn muốn thành công, hãy bắt đầu từ việc thoát ra khỏi cuộc sống kí túc xá. Đừng lười biếng ở lì trong kí túc xem đủ loại phim Mĩ, phim Hàn Quốc nữa. Hãy đến thư viện, phòng tự học để đọc những cuốn sách mà mình thích, trong đấy chắc chắn có những ngôi nhà dát vàng và những viên ngọc quý.
7. Không thi thêm vài chứng chỉ
Cùng là bốn năm đại học, có bạn đã có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ cấp bốn cấp sáu, chứng chỉ nghiệp vụ kế toán, chứng nhận học bổng... Còn tôi chẳng có gì ngoài một cái bụng bia.
Khi tôi định thi chứng chỉ tiếng phổ thông, một người bạn cũ nói với tôi rằng hoàn toàn không cần thiết, lãng phí tiền đó để làm gì. Người bạn cùng phòng kí túc với tôi đem chứng chỉ tiếng phổ thông đi xin việc, kết hợp thêm tài ăn nói của bản thân, đã thực sự tham gia tổ chức lễ khai trương cho một cửa hàng nhỏ, kiếm được thù lao vài trăm tệ.
Khi tôi định thi chứng chỉ tin học cấp hai, người bạn cũ nói: Cậu không phải dân IT, học cái đó làm gì. Một người bạn khác của tôi đã thi, khi ra ngoài xin việc làm thêm, rõ ràng họ yêu cầu chứng chỉ này. Tuy rằng cậu ấy cũng không biết rốt cuộc nó dùng làm gì, nhưng trong số người ứng tuyển chỉ có cậu ấy có, cậu ấy là người duy nhất được chọn.
Đương nhiên không phải tất cả những chứng chỉ bạn thi đều sẽ có tác dụng. Nhưng khi bạn có thời gian và có khả năng thực hiện việc đó, hãy thi thêm vài chứng chỉ, tích lũy thêm nhiều kĩ năng sẽ không phải lo lắng gì. Có những công ty thật sự coi trọng những thứ đó.
8. Không thi lấy bằng lái xe
Không có xe sao phải thi bằng lái? Đợi có tiền rồi thì mời tài xế chuyên nghiệp về lái cho mình là được rồi. Mùa hè phơi nắng thành than, mùa đông lạnh đóng băng, chịu cực khổ như vậy để làm gì.
Đợi tốt nghiệp rồi tranh thủ mùa xuân mùa thu mát mẻ thì học. Đợi mua xe rồi học...
Nhiều bạn có lẽ đều nghĩ như vậy, tôi lúc đầu cũng không ngoại lệ. Kì nghỉ hè năm thứ nhất bị ép đăng kí thi bằng lái, cùng học với chúng tôi còn có rất nhiều chú, dì đã đi làm. Tôi thường nghe họ nói họ ngưỡng mộ học sinh chúng tôi, có nhiều thời gian tập trung luyện tập. Họ cả ngày làm việc, chỉ có thể tranh thủ buổi tối đến tập xe, có người thậm chí công ty không cho nghỉ, lại cần gấp một tấm bằng lái nên đành phải thôi việc.
Cho nên, hãy tranh thủ những kì nghỉ đông, khẩn trương thi lấy bằng lái, đừng đợi đến khi cần gấp lại không có thời gian nữa. Kì nghỉ hè năm thứ ba, những người thi nghiên cứu sinh đều phải tập trung ôn tập, người không thi nghiên cứu sinh cũng bắt đầu thực tập tìm việc. Thời gian của bạn và tôi thật sự không dư giả để chờ đợi bất cứ điều gì, cần làm phải làm ngay.
Giá mà có “nếu như”, thì thảy mỗi người chúng ta đều có thể trở thành vĩ nhân. Nhưng rất tiếc là không. Và ngay lúc này đây, đây là những ngày trẻ trung nhất, đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của chúng ta. Hãy nắm lấy thời gian ngay trong giây phút này. Đừng đợi đến khi mất đi rồi, hối hận cũng không kịp nữa.
Rất nhiều điều, không cần bạn và tôi phải sứt đầu mẻ trán để tự mình chứng minh nó là sai. Hãy lắng nghe ý kiến của người đi trước nhiều hơn, đó cũng là một loại bài học. Mong bạn và tôi trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Một lần nữa gửi lời cảm ơn đến những người thầy đã từng giúp đỡ, chỉ bảo cho chúng ta
Bình luận