Chương 4. Đối nhân xử thế - Phần 4. Ham công danh lợi lộc, ắt gặp phải trở ngại khắp nơi

icon
icon
icon

Bạn có thể phải chấp nhận chuyện danh lợi của xã hội, nhưng tuyệt đối đừng chìm sâu trong vòng lẩn quẩn của danh lợi, đừng sai lầm coi ham danh lợi là cá tính, là đạo xử thế. Cuộc sống thật sự không chũ là tạm bợ trước mắt. Hãy vứt bỏ một chút danh lợi, cúi người chăm chũ cày cuốc vì phần an tĩnh trong tâm hồn.

Không nên tranh luận với người có khác biệt về quan điểm
Lượng chia sẻ của bài viết “Tôi yêu thế giới danh lợi này” trong cuốn sách cùng tên mới xuất bản của Mị Mông ung dung vượt qua con số một trăm nghìn lượt, cho thấy xã hội danh lợi đã trở thành xã hội lí tưởng mà rất nhiều người ủng hộ. Nhưng đọc thêm vài trang sách của Mị Mông thì không khó nhận ra, cái gọi là xã hội danh lợi hoàn toàn không nhấn mạnh đến danh lợi, mà là công nhận sự nỗ lực.
Buổi chiều mấy hôm trước, tôi rảnh rỗi chuẩn bị đi xem phim. Lúc đến hẵng còn sớm, tôi bèn xuống dưới tầng tìm quán cà phê giết thời gian.

“Xin chào! Tôi thấy số lượt theo dõi bài của bạn rất cao, thỉnh thoảng tôi cũng viết, nhưng không có ai quan tâm.” Một người yêu thích sáng tác nhắn tin hỏi tôi như vậy. Đúng lúc rảnh rỗi, tôi liền xem thử bài viết của anh ta. Vốn nghĩ rằng sẽ có sự trùng hợp về tư tưởng, không ngờ đoạn đối thoại sau đó suýt nữa khiến tôi ngã ngửa.
Tôi xem qua bài viết của anh ta, ngày ngày ghi lại cảm nhận cuộc đời ngắn gọn, chắc là chưa đến 300 chữ, bài viết như vậy người biên tập chắc chắn không để mắt tới. Bạn không phải là người nổi tiếng, mấy ai quan tâm đến chuyện bạn hôm nay ăn khoai tây thái sợi hay khoai tây thái miếng, bạn hôm nay đến nhà ông Vương hàng xóm chơi cờ hay là xuống nhà dì Mã hát. Sợ làm tổn thương đối phương, thế là tôi nói: “Bạn viết rất chân thực, nhưng nếu chỉ là ghi lại cuộc sống của cá nhân, rất khó gợi sự đồng cảm. Nếu muốn được nhà xuất bản chú ý đến, bài viết còn đòi hỏi yêu cầu hình thức nhất định.”
Anh ta có vẻ không quan tâm đến vấn đề của bản thân, hỏi thẳng tôi: “Tôi thấy anh thường xuyên viết, vậy có ích lợi gì?”
Tôi sững người một lúc, lông mày tự nhiên nhíu lại, thật tình không hiểu đối phương muốn nói gì, tôi hỏi lại: “Cái gì gọi là lợi ích?”
“Tôi thấy bài viết của anh đã nổi tiếng, có phải kiếm rất nhiều tiền không? Hiện tại một bài viết của anh được nhuận bút bao nhiêu? Có nhà xuất bản tìm anh chưa?” Anh ta đã thẳng thắn, không e dè kể ra hàng loạt lợi ích mà anh ta nhìn thấy.
Nếu anh ta ngồi trước mặt tôi, nhất định có thể nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc của tôi: “Chỉ là thích viết, hoàn toàn là sở thích cá nhân.” Tôi trả lời theo ý anh ta, muốn nhanh chóng kết thúc đoạn đối thoại khác nhau một trời một vực về quan điểm này.

“Vậy anh còn viết làm gì chứ?” Từ khẩu khí có thể thấy anh ta rất ngạc nhiên, cứ như là bài viết không có cái gọi là lợi ích thì đều lãng phí.
Nếu là tôi trước đây, nhất định sẽ tranh luận với anh ta, kể ra từng lí do sáng tác của tôi, đưa ra từng lợi ích mà sáng tác đem lại cho tôi. Nhưng bây giờ thì không, bởi không đáng. Quan điểm không giống nhau, tranh luận chỉ lãng phí thời gian, chi bằng lựa theo lời anh ta, nhanh chóng kết thúc đoạn đối thoại: “Chỉ là viết chơi bời, thật sự không có ý nghĩa gì.”
Anh ta rất hài lòng với câu trả lời của tôi: “Thế tôi mới nói, chi bằng không viết.”
Đoạn đối thoại kết thúc, tôi bất giác nhún vai muốn hét vào mặt anh ta một câu: “Anh ham danh hám lợi như vậy, đáng đời bài viết của anh không mấy người xem.” Có rất nhiều người làm việc chỉ chăm chăm tính toán lợi nhuận bao nhiêu, lợi ích lớn nhỏ như thế nào, mà bỏ quên sở thích của bản thân và quyết tâm lúc đầu. Dùng tiền bạc đánh giá mọi nỗ lực trên đời, mâm cao cỗ đầy là có ý nghĩa, nhưng thu không đủ chi thì cũng là vô ích.
Nếu có một ngày, mọi việc đều phải dùng tiền bạc để đánh giá, thì thế giới này thật quá đáng sợ rồi.
Xã hội thực dụng không công nhận danh lợi của bạn
Những lúc sáng tác, rất nhiều lần bật dậy khỏi giường, tôi vội ghi lại những linh cảm xuất hiện trong chớp mắt, chỉ lo nếu bỏ lỡ thì khó truy hồi lại được. Để cải thiện khả năng sáng tác, tôi dành thời gian và công sức cóp nhặt, ghi chép lại sau khi đã đọc một lượng sách lớn. Nếu bạn cho rằng mọi hứng thú sở thích không có tính thực dụng chỉ là hão huyền, thì sẽ không biết được những thỏa mãn về tinh thần khi bạn đắm chìm trong nó.

Hiện nay, rất nhiều người khẳng định cái tốt của xã hội thực dụng là công nhận nỗ lực của cá nhân. Nhưng xã hội thực dụng và danh lợi cá nhân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Xã hội thực dụng khẳng định năng lực cá nhân, chứ không phải danh lợi của bạn. Đừng sai lầm coi danh lợi của bạn là đối tượng khẳng định của người khác. Lựa chọn bất kì việc gì cũng vì danh lợi thì cuối cùng bạn chỉ thu hoạch được rất ít.
Trong cuốn sách mới “Tôi yêu xã hội thực dụng”, Mị Mông nhắc đến một nhà biên kịch mà cô ấy quen, mọi người chỉ nhìn thấy ánh hào quang của anh ấy, mà không để ý anh ấy là một “tên kì dị” ngồi trên xe buýt cũng viết kịch bản. Quy tắc của xã hội thực dụng vô cùng rõ ràng, mọi người không công nhận thứ gì khác, chỉ công nhận sản phẩm của bạn.
Cái mọi người công nhận là sản phẩm của bạn, không phải danh lợi của bạn! Đọc vài trang văn ca tụng chủ nghĩa thực dụng thì cảm thấy xã hội thực dụng thật tốt, không cần lo lắng những thứ khác, chỉ cần làm tốt việc của chính mình. Nhưng, bao nhiêu người trong chúng ta đã bỏ gốc lấy ngọn, chỉ biết phán xét mọi thứ theo danh lợi mà quên mất làm việc chăm chỉ.
Không phải mọi việc đều có thể đánh giá bằng tiền
Lại kể một câu chuyện mắt thấy tai nghe. Bạn thân của tôi là Tiểu Quân, giống như bao đứa trẻ bình thường khác, trước kì thi đại học ra sức luyện đề. Có lẽ tư chất không đủ, hoặc phương pháp không đúng, thành tích của cậu ấy luôn ở mức trung bình trở xuống. Nhờ nỗ lực cũng đạt điểm sàn vào một trường đại học tốp hai. Thông thường, kết quả như vậy cũng xem như là tương xứng với trình độ, vào học một trường đại học thuộc tầm trung cũng không có áp lực gì. Nhưng bố cậu ấy sau một hồi cân nhắc lại bảo cậu ấy bỏ đại học, lí do rất đơn giản, học đại học không có lợi. Mỗi năm đều có rất nhiều tin tức về việc bố mẹ không cho con học đại học, mỗi lần nghe được, tôi đều coi đó là chuyện cười rồi cho qua. Nhưng khi nó thực sự xảy ra ngay bên cạnh mình, tôi mới cảm thấy mọi thứ kinh khủng hơn tưởng tượng rất nhiều. Rất nhiều người cho rằng, bố cậu ấy nói rất có lí, thay vì học đại học, nếu tự mình tìm một công việc mà làm, thì thu nhập sau 4 năm có khi chênh lệch tới 10 vạn tệ, cao hơn nhiều so với thu nhập của những bạn trẻ ra trường cùng thời điểm.
Đúng vậy, nếu chỉ lấy chi phí kinh tế của bốn năm đại học để so sánh, vậy thì bốn năm đại học đúng thật là thiệt hại lớn rồi! Nếu bạn cảm thấy bạn chỉ đáng 10 vạn tệ, vậy bốn năm đại học quả thật là sự coi thường sinh mệnh. Bạn chẳng cần phải lo lắng đến chuyện có thích ứng được với cuộc sống kí túc hay không, chẳng cần mất ăn mất ngủ trước mỗi lần thi, cũng chẳng cần lo lắng khi điểm chỉ ở mức mấp mé qua môn. Bạn được tự do ngao du tiệc rượu hết bữa này đến bữa khác, khoe khoang quyết định đúng đắn của bản thân, nhưng bạn không bao giờ được trải nghiệm những vị đắng chát ngọt ngào của tình yêu nơi học đường, không thể biết được những cảm xúc phấn khích lúc nửa đêm đám bạn cùng phòng tán gẫu chuyện trên trời dưới đất.
Trong nhóm bạn học của tôi năm đó, người thì bình luận về sự biến thái của thầy giám thị, người thì chửi bới kí túc không có điều hòa. Lúc đầu Tiểu Quân ở trong nhóm cũng tham gia bình luận với mọi người, khoe mình được ở trong phòng điều hòa, hút cả đám xúm vào tán dương. Về sau, Tiểu Quân dần dần tỏ ra tự kiêu, cuối cùng chọn rời khỏi nhóm. Có những người, có những con đường, một khi lựa chọn khác nhau, cả cuộc đời rất khó có thể tái ngộ. Nghe nói Tiểu Quân bây giờ đã đính hôn, cô gái đó không phải “nữ thần” mà mọi người vẫn trêu chọc hồi cấp ba. Cũng nghe nói cậu ấy hiện tại đã đăng kí lớp học online, chăm chỉ học tập.

Đừng nên đặt sự hoang phí của mình trên nỗi đau khổ của người khác
Ngoài kiểu coi giá trị của tất cả mọi thứ ngang hàng với tiền bạc, dùng tiền bạc để cân đo mọi thứ, còn có một kiểu danh lợi khiến người ta căm ghét hơn, đó chính là sẵn sàng hi sinh lợi ích của người khác, không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình.
Một nữ sinh từ sáng sớm đã gửi tin nhắn oanh tạc điện thoại của tôi, tôi quên tắt âm thanh, bị chuông báo đánh thức, nheo mắt nhìn màn hình. Cô bé nói mình nỗ lực ôn tập, vất vả nâng cao thành tích kiểm tra, cuối cùng vẫn không được bình xét học bổng khuyến khích của nhà nước4, trong khi người giành được lại là cán bộ lớp tất cả các môn chỉ vừa đủ điểm đạt, điều kiện gia đình rất khá giả. Cô bé dường như thấy dùng tin nhắn để giãi bày vẫn không đủ giải tỏa, sáng sớm tinh mơ gửi tin nhắn thoại, tôi đeo tai nghe nghe một đoạn tâm sự dài, lúc cuối cùng cô bé đã oà khóc. Điều kiện gia đình cô bé khó khăn, 5.000 tệ học bổng khuyến khích của nhà nước có thể là nguồn học phí chính của em. Mặc dù cô bé đã giành được học bổng gần 2.000 tệ của nhà trường, nhưng 3.000 tệ kia tuột mất vẫn khiến em không nén nổi thất vọng, khóc thút thít.
Cô bé kể rằng quan hệ giữa cán bộ lớp và giáo viên phụ trách rất tốt, ra ngoài đều gọi taxi, xưa nay chưa từng phải ngồi xe buýt, trang phục, giày dép đều là hàng hiệu, động cái là sẵn sàng chi ra hàng vạn tệ. Thế nên cậu ta được nhận học bổng khuyến khích lần này hoàn toàn không phải vì nghèo, mà là vì cậu ta tặng quà cho giáo viên phụ trách. Cô bé vừa nói vừa không kìm được bật khóc.
Chuyện có tặng quà hay không tôi không biết, nhưng xung quanh chúng ta có không ít học sinh điều kiện gia đình khá giả, để có được 3.000 tệ tiền hỗ trợ học sinh nghèo mà tranh giành đăng kí, không tiếc tặng quà cho giáo viên phụ trách. Những người này cuối cùng có khả năng giành được tiền hỗ trợ như ý nguyện, đắc ý khoe khoang với mọi người xung quanh, chê cười họ không biết đường cư xử, không biết sử dụng đồng tiền. Nhưng những người này đã quên mất rằng, 3.000 tệ mà họ đang hoang phí tiêu pha có thể là số tiền mà một đứa trẻ nghèo khổ tiết kiệm từng chút một bằng cách ăn mì gói thay vì ăn một suất cơm đủ đầy. Sự hoang phí của họ được xây dựng trên nỗi cực khổ của người khác, mà những thứ đó họ hoàn toàn không để ý, bởi vì lòng tham của họ nói với họ rằng, danh lợi của họ đã đạt được rồi.
Danh lợi có thật sự là hoàn toàn sai
Danh lợi thật sự hoàn toàn sai sao? Thật không dễ để khẳng định một cách tuyệt đối. Nhưng nói tất cả hành vi của chúng ta đều là do danh lợi thúc đẩy, quả không sai. Bạn khát sẽ tìm cách uống nước, đói sẽ tìm cách ăn cơm. Cảm giác thoả mãn mà cây kem 5 hào và bữa ăn 100 tệ đem lại cho con người không liên quan đến giá tiền, chỉ liên quan đến nhu cầu khi tiêu tiền. Người kinh doanh theo đuổi lợi nhuận là biểu hiện của danh lợi, có sai không? Rõ ràng không sai, nhưng vì theo đuổi lợi nhuận mà chà đạp lợi ích của người khác thì chẳng khác nào biến thành con rối bị lòng tham chi phối.
Thời cấp hai tôi từng viết một bài viết có tiêu đề là “Không nên gắn quá nhiều màu sắc thương mại lên việc công ích”, đại khái là lúc đó khi dùng một bánh xà phòng, tôi nhìn thấy trên vỏ hộp viết: Sử dụng mỗi một sản phẩm này là quyên góp cho vùng khó khăn một khoản tiền. Khi đó tôi nghĩ, đã là công ích thì phải là công ích thực chất, không thể để những hành vi thương mại bôi nhọ sự thiêng liêng của việc làm công ích, bây giờ nhìn lại có vẻ hơi nực cười. Doanh nghiệp vì theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận, coi công ích như là cách kinh doanh mới, vì “danh lợi” của họ vừa thực hiện được mục đích thương mại, cũng giúp được những người nghèo khổ, cớ sao không làm chứ?
Bạn có thể phải chấp nhận chuyện danh lợi của xã hội, nhưng tuyệt đối đừng chìm sâu trong vòng xoáy của danh lợi, đừng sai lầm coi ham danh lợi là cá tính, là đạo xử thế. Cuộc sống thật sự không chỉ là tạm bợ trước mắt. Cúi người chăm chỉ cày cuốc, vì phần an tĩnh trong tâm hồn.
Con người là sản phẩm của xã hội, trong thế giới danh lợi này, công nhận sự tốt đẹp của xã hội, cũng cần đồng thời cảnh giác với các mối nguy hại của xã hội. Bồi dưỡng sở thích của mình, làm những việc mình muốn, không phải vì tiền bạc, không phải vì giàu có, mà chỉ vì bạn muốn làm nó và nó có thể mang đến cho bạn khoảnh khắc vui vẻ. Bạn càng ham danh hám lợi thì điều bạn muốn càng chạy xa khỏi bạn. Hãy dừng lại và thử hỏi bản thân xem, rốt cuộc mình muốn điều gì.

Bình luận