Chương 4. Đối nhân xử thế - Phần 5. Làm chủ cảm xúc, mới đủ tư cách bàn chuyện thắng thua

icon
icon
icon

Con người khi tâm trạng kích động, thường quên rằng phải tìm hiểu sự thật trước; cũng thường trong những lúc cảm xúc không ổn định mà trở nên hung dữ đáng sợ. Đến khi bình tĩnh suy nghĩ lại, mới nghĩ đến việc tìm cách giải quyết đúng đắn.
Đừng lấy sai lầm của người khác để trừng phạt bản thân
Là con người, chúng ta có lúc vui vẻ, lúc buồn bã, có lúc tức giận, oán trách... Cảm xúc giống như tấm gương phản ánh ngay những suy nghĩ chân thực của chúng ta trong từng khoảnh khắc. Cuộc sống hối hả, đô thị náo nhiệt, bước chân vội vã, tất cả đều đang chạy đua với thời gian. Ngày càng nhiều người nhìn nhận cả cái xã hội này bằng con mắt danh lợi, lòng người trở nên xốc nổi, cảm xúc cũng lên xuống theo. Chỉ cần mất kiểm soát là sẽ rơi vào vũng lầy của cảm xúc, thậm chí sẽ vì đó mà đắc tội với người khác, đem đến rắc rối không đáng có cho bản thân.
Thời gian trước tôi và bạn bè cùng chia sẻ về lớp học trực tuyến trên mạng. Đó là hoạt động chia sẻ đơn thuần, mục đích chính là thu hút thêm nhiều bạn tham gia. Nhưng một hoạt động muốn mời được khách mời “tầm cỡ” thì cần chi phí nhất định, lúc đầu đều là tôi và bạn bè tự chi tiền. Sau khi thương lượng, chúng tôi quyết định tìm thêm nguồn kinh phí. Trước chỉ cần mọi người chia sẻ nội dung hoạt động trên vòng bạn bè Wechat thì có thể tham dự miễn phí, bây giờ có thể chọn bỏ ra 6.6 tệ để trực tiếp tham gia, không cần chia sẻ lên vòng bạn bè nữa. Dự tính ban đầu rất đơn giản, quy định cũng rất đơn giản, muốn tham gia miễn phí, thì chia sẻ lên vòng bạn bè giúp chúng tôi tuyên truyền; không muốn chia sẻ, nhưng muốn tham gia huấn luyện, thì chọn bỏ tiền.
Không lâu sau khi công bố điều kiện đăng kí, liền nhận được hàng loạt lời lăng mạ.
“Hoạt động vớ vẩn thế này còn dám thu phí, ham tiền đến điên rồi sao…”
Tôi đọc được phản hồi như vậy, cơn giận bỗng chốc dâng lên não. Trong giây phút bốc đồng, tôi đem những cái gọi là “độc giả là thượng đế” ném hết lại đằng sau, trực tiếp cãi nhau với người đã đưa ra bình luận ác ý đó. Giống tất cả những cuộc tranh cãi trên mạng, chúng tôi càng mắng chửi, ngôn từ càng trở nên mỗi lúc một gay gắt, cho đến khi hai bên cùng cùng cho đối phương vào danh sách đen thì trận cãi vã đó mới kết thúc.
Sau khi bình tĩnh trở lại, tôi mới bắt đầu suy nghĩ lí do tại sao họ nói hoạt động của chúng tôi như vậy. Ngoài vấn đề tố chất của cá nhân họ, quy định đăng kí của chúng tôi có phải thật sự có vấn đề không!?
Quả nhiên, khi đọc kĩ điều kiện đăng kí, tôi nhận ra chúng tôi không ghi rõ là chia sẻ trên vòng bạn bè thì có thể được miễn phí, mà liền ngay phía sau là yêu cầu mọi người nộp phí tham gia, dẫn đến một số bạn hiểu nhầm thành sau khi chia sẻ còn phải đóng tiền. Người muốn tham gia nhìn thấy khác với thông báo ban đầu, liền bắt đầu chửi bới.

Khi tâm trạng kích động, chúng ta thường quên rằng phải tìm hiểu sự thật trước; cũng thường trong những lúc cảm xúc không ổn định mà trở nên hung dữ đáng sợ. Đến khi bình tĩnh suy nghĩ lại, mới nghĩ đến việc tìm cách giải quyết đúng đắn.
Tức giận không tốt cho sức khỏe của chúng ta chút nào. Cáu giận dẫn đến rối loạn hệ thống tiêu hóa, hàm lượng hormone tuyến thượng thận (andrenalin) trong cơ thể cũng tăng cao rõ rệt, khiến nhịp tim tăng nhanh, thậm chí có thể dẫn đến đau thắt tim, nhồi máu cơ tim. Cáu giận cơ bản là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt bản thân mình.
Tiếp nhận cảm xúc của bản thân
Kiềm chế tốt cảm xúc có phải là không có cảm xúc không? Khi cảm xúc đến lại phải lập tức “bóp chết” nó sao? Thật ra không phải như thế, cảm xúc không nghe theo ý muốn của chúng ta. Muốn kiềm chế tốt cảm xúc, trước tiên phải bắt đầu từ việc chấp nhận cảm xúc của chính mình. Chỉ khi chấp nhận cảm xúc của bản thân, liễu giải nó, hiểu nguồn cơn của nó, mới có thể giảm bớt tổn thương mà nó mang đến.
Nhiệm vụ của người lãnh đạo rất phức tạp, cũng có thể là bản thân người lãnh đạo có thiếu sót về chuyên môn, khiến họ thẳng thừng phê bình phương án của bạn, bạn oán trách, thậm chí tức giận, đây đều là chuyện rất bình thường. Nhưng điều bạn cần làm không phải là cãi đúng cãi sai ngay tại chỗ với lãnh đạo. Thử hít thở thật sâu, bình tĩnh lại, ôn hòa nhã nhặn cùng lãnh đạo thảo luận vấn đề liên quan. Nếu hai bên đều đang tức giận, thì cần cố gắng tránh xung đột trực diện, sau sự việc có thể dùng cách gửi email trình bày suy nghĩ của bạn.
Người có thể làm chủ cảm xúc không nhất định là người có chỉ số cảm xúc cao, nhưng người có chỉ số cảm xúc cao nhất định là người giỏi làm chủ cảm xúc của bản thân. Con người đều không ngừng trưởng thành, không phải ai mới sinh ra cũng đã có thể làm chủ cảm xúc của bản thân. Làm chủ cảm xúc giống như chiến thắng bệnh trì trệ vậy, đều là phản ứng đối lập với bản năng của chúng ta, đòi hỏi chúng ta không ngừng học hỏi các kĩ năng, cải thiện tâm tính và trở nên mạnh mẽ từng ngày.
Làm sao để làm chủ cảm xúc bản thân
Vậy chúng ta nên làm thế nào để nâng cao khả năng làm chủ cảm xúc của bản thân đây? Đừng ngại thử ba cách mà tôi đưa ra dưới đây nhé.
1. Hít thở sâu
Cảm xúc ngắn hạn chỉ là những cảm xúc vừa mãnh liệt vừa ngắn ngủi, đến nhanh, đi cũng nhanh. Sợ hãi, lo lắng, tức giận đều là cảm xúc ngắn hạn. Cảm xúc như vậy, chúng ta thông thường đều có thể xoa dịu bằng cách hít thở sâu.
Quánh Phù Dung trong phim “Võ lâm ngoại truyện” có thể nói là người nóng giận điển hình, động một tí là dùng đến tuyệt chiêu dời núi lấp biển, đánh người khác đến tan tác tơi bời. Vì thế, Lữ Tú mới nghĩ ra một cách, bảo Quách Phù Dung mỗi khi tức giận muốn đánh người hãy đọc thầm: “Thế giới tươi đẹp thế này, sao tôi lại nóng nảy như vậy, như thế không hay, không hay!” Lúc nhỏ, tôi thường buồn cười vì lời thoại hài hước này. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi mới phát hiện trong đó có cơ sở khoa học nhất định.
Khi cảm xúc của một người chịu kích động tương đối lớn, sự bài tiết của tế bào tuyến thượng thận khiến cơ bắp bị kéo căng, tốc độ lưu thông máu nhanh hơn, về sinh lí đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự “kích động”. Lúc này, cảm xúc tức giận gia tăng, khả năng tư duy lí trí giảm đi, một vài chức năng sinh lí cũng bị suy giảm tạm thời. Nếu lúc này có thể hít thở sâu, hoặc đọc thầm trong đầu 10 chữ số thì có thể dần dần đánh thức lí trí, giảm bớt rắc rối do cảm tính quá mức gây ra.
2. Vận động
Khi buồn bã, bạn hãy thử đi ra ngoài hít thở không khí trong lành, kết hợp chạy bộ để chuyển hướng tập trung của bản thân, giúp cảm xúc được khơi thông. Trong quá trình chạy bộ, bạn có thể nghe chút nhạc. Nếu thật sự khó chịu, tủi thân, không nhất thiết phải dồn nén trong lòng, có thể hét to vài tiếng. Sau đó khi bình tĩnh trở lại, hãy cố gắng lí giải nguồn cơn của những cảm xúc ấy. Hiểu về nó là cách tốt nhất để làm chủ nó.
Làm chủ cảm xúc nhấn mạnh rằng, khi sự việc phát sinh, cố gắng tránh để bản thân mình rơi vào cảm tính khiến cho sự việc phát triển theo hướng tồi tệ hơn. Thoát khỏi “nơi phát sinh sự việc”, kịp thời giải tỏa, loại bỏ hết những năng lượng tiêu cực trong người, đó mới là chìa khóa để giải quyết hợp lí cảm xúc tiêu cực.
3. Suy nghĩ ở góc độ người ngoài cuộc
Hít thở sâu và đọc thầm giúp bản thân giữ bình tĩnh khi sự việc xảy ra, vận động khiến cảm xúc của chúng ta được giải tỏa triệt để, tiếp đó chúng ta sẽ phải thoát ra khỏi chính sự việc, giải quyết vấn đề ở góc độ người ngoài cuộc.
Trong cuốn sách tâm lí có tựa đề “Năng lực quyết đoán” của tác giả Dan Heath có lấy ví dụ về CEO Andy Grove của công ty Intel. Khi gặp phải rắc rối, ông sẽ thử đặt bản thân ra ngoài vấn đề, giả sử bản thân là CEO kế nhiệm, sẽ làm như thế nào? Như vậy Andy Grove có thể tránh được rắc rối do cảm xúc ngắn hạn tạo ra một cách hiệu quả, nhìn nhận khó khăn phía trước bằng tầm nhìn xa.
Chúng ta vẫn nói “người ngoài cuộc hiểu rõ hơn người trong cuộc” chính là đạo lí này. Khi bạn không có cách giải quyết một sự việc, khi bạn mê muội trong cảm xúc không thể thoát ra, tưởng tượng rằng nếu người bạn tốt nhất của bạn gặp phải vấn đề như bạn, bạn sẽ khuyên họ thế nào. Trái với phán đoán của chúng ta, ý kiến bạn bè đưa ra cho chúng ta lí trí hơn, tỉnh táo hơn, có thể tránh được ảnh hưởng của cảm xúc nhất thời, từ đó giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
4. Đọc nhiều sách, báo
Có thể bạn thấy buồn cười vì gợi ý này, làm chủ cảm xúc sao liên quan đến chuyện đọc nhiều sách báo chứ? Chẳng lẽ sau khi đọc sách, đọc báo thì có thể kiểm soát hợp lí cảm xúc của bản thân? Xin bạn đừng nghi ngờ, đúng là như vậy.
Trong sách có ngôi nhà dát vàng, có những viên ngọc quý, có những “bảo bối” có thể giúp tầm nhìn của chúng ta rộng mở hơn, đặt mình vào nhiều tâm thái hơn, dần trở nên bao dung và lí trí hơn.
Nếu ngay cả cảm xúc của mình, bạn cũng không làm chủ được, làm sao đủ tư cách bàn chuyện thắng-thua? Làm chủ cảm xúc là một môn học thiết yếu trong cuộc đời chúng ta. Có người có thể làm chủ cảm xúc rất tốt, giúp bản thân nhanh chóng điều chỉnh tâm trạng trong mọi hoàn cảnh, đối diện với cuộc sống bằng thái độ tích cực hơn. Còn có người lại như con nhím sắc nhọn luôn sẵn sàng xù lông, thậm chí trong tiềm thức luôn cảm thấy người khác nhằm vào mình. Nếu bạn như vậy, đừng ngại thử bốn cách kịp thời kiểm soát, làm chủ cảm xúc mà tôi đề cập phía trên nhé.
Khảo sát khả năng kiểm soát, làm chủ cảm xúc của bạn
1. Khi cấp trên phê bình bạn, bạn sẽ làm thế nào?
A. Lập tức đáp trả
B. Âm thầm chịu đựng
C. Phân tích những vấn đề tồn tại, nhìn nhận một cách lí trí

2. Bạn có hít thở sâu trước khi nổi giận không?
A. Không
B. Thỉnh thoảng có
C. Đó là chìa khóa kiểm soát cảm xúc của tôi
3. Bạn có phải là một người dễ khóc?
A. Đúng
B. Bình thường
C. Tôi rất ít khóc
4. Khi căng thẳng, bạn có cách giúp bản thân bình tĩnh không?
A. Không có
B. Có lúc có
C. Luôn có
5. Khi bố mẹ đổ oan cho bạn, bạn sẽ làm gì?
A. Tranh cãi quyết liệt để họ nhận ra lỗi lầm
B. Kìm nén trong lòng
C. Đợi thời cơ thích hợp sẽ trao đổi
6. Khi thi trượt, bạn sẽ thế nào?
A. Than thở nội dung kiểm tra có vấn đề
B. Đắm chìm trong sự tự trách móc
C. Phân tích xem vấn đề nằm ở đâu
7. Gặp phải bạn học hoặc đồng nghiệp xin chỉ giáo, bạn có thể kiên nhẫn chỉ dạy không?
A. Không thể
B. Thỉnh thoảng có thể
C. Đa số tình huống là có thể

8. Khi bạn đang làm một việc, đột nhiên bị quấy rầy, bạn sẽ thế nào?
A. Cảm thấy vô cùng tức giận
B. Khó tránh trách móc
C. Nhanh chóng giải quyết ổn thỏa và lại chú tâm vào công việc
9. Khi không vui, bạn sẽ làm như thế nào?
A. Vớ được ai là trút tức giận lên người đó
B. Ngủ một giấc
C. Cho bản thân một không gian giêng tư để giải tỏa
10. Bạn có phải một người có cảm giác an toàn?
A. Hoàn toàn không phải
B. Có lúc cảm thấy phải
C. Tôi có cảm giác an toàn của riêng mình
Phân tích kết quả trắc nghiệm:
A= 1 điểm B= 2 điểm C= 3 điểm
(1) 1- 15 điểm: Khả năng kiềm chế cảm xúc thấp
Bạn tương đối cảm tính, dễ chịu ảnh hưởng của sự vật và con người xung quanh, không thể đối phó với những mặt trái của cuộc sống, dễ kích động, thường bị những chuyện vặt vãnh thường ngày dày vò. Thái độ nhìn nhận sự việc của bạn thuộc hai kiểu cực đoan, hoặc quá nghe theo số đông, hoặc quá kiên định lập trường của bản thân, không cho phép người khác nghi ngờ. Một khi có người phạm đến, bạn liền lập tức phản ứng. Thật ra, bạn tương đối thiếu lòng tin, thiếu cảm giác an toàn, cũng thường vì không kiềm chế tốt cảm xúc dẫn đến rất nhiều rắc rối, muốn thử thay đổi nhưng lại không ăn thua gì.

(2) 16- 24 điểm: Khả năng kiềm chế cảm xúc trung bình
Trong đa số trường hợp, bạn đều có thể kiểm soát hiệu quả cảm xúc của bản thân, tránh rắc rối do cảm xúc quá mức gây ra. Bạn biết rõ làm thế nào để ngăn những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, nhưng khả năng kiểm soát cảm xúc còn cần phải nâng cao, cũng thỉnh thoảng sẽ gặp phải chuyện bản thân không thể giải quyết, bộc phát cảm xúc.
(3) 25- 30 điểm: Khả năng kiểm soát cảm xúc cao
Bạn quả là một chuyên gia kiểm soát cảm xúc, bạn có cách kiểm soát cảm xúc của riêng mình, có thể nhìn nhận bản chất vấn đề một cách lí trí, thoát ra khỏi vòng cảm xúc luẩn quẩn, nhìn ra diện mạo ban đầu của sự việc, giải quyết vấn đề hợp lí thông qua phân tích.

Bình luận