Chương 4. Đối nhân xử thế - Phần 6. Lễ phép kiểu xã giao không tốn tiền, lại đáng tiền hơn mọi thứ

icon
icon
icon

Nếu bạn có thể nhớ và gọi chính xác tên của đối phương, kết hợp chào hỏi hàn huyên đơn giản thì có thể lập tức rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Với đối phương, đây nhất định là một niềm vui bất ngờ, hơn nữa là một sự hài lòng. Họ cảm thấy bạn quan tâm họ, coi trọng họ, họ sẽ rất vui, cũng sẽ nảy sinh thiện cảm và tin tưởng bạn, từ đó tạo thuận lợi cho những lần gặp gỡ tiếp theo.
Lễ phép là gì?
Khổng Tử nói: “Nhân vô lễ tắc bất sinh, sự vô lễ tắc bất thành, quốc vô lễ tắc bất ninh” (Con người không có lễ thì không thể tồn tại, làm việc không có lễ thì không thể thành công, trị quốc không có lễ thì không thể trật tự). Có thể thấy, lễ tiết vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Lễ tiết là phép tắc xã giao giữa người với người. Lễ tiết là đạo đức tốt đẹp không làm trở ngại đến người khác, cũng là tấm thẻ thông hành trong mọi việc của bản thân. Lễ tiết là cách thức con người bày tỏ tôn trọng với nhau, bao gồm cách thức hành động và ngôn ngữ như: bắt tay, cúi chào, cúi lạy,… là cách thức hành động; hỏi thăm, cảm ơn là hình thức ngôn ngữ.
Nói đến lễ tiết, mọi người có thể sẽ có một cảm giác xa lạ khó hiểu, cảm thấy lễ độ xa vời cuộc sống thường ngày của bản thân. Suy cho cùng giống như cúi chào, cúi lạy, hành động như thế luôn khiến chúng ta cảm thấy rườm rà phức tạp, cảm thấy những thứ này đều là trong tình huống quan trọng mới cần chú ý.
Thực ra không phải vậy, giả sử chúng ta đổi sang một cách nói thông dụng, coi lễ tiết là lễ phép, có phải bạn thấy thân thuộc hơn không, thật sự liên quan mật thiết với bản thân mình không?!
Tác dụng của việc lễ phép ở nơi làm việc
Cuối tuần, dì Ngô - bạn thân của mẹ tôi đến thăm nhà. Dì Ngô là người quản lí nhân sự (HR) của một doanh nghiệp tư nhân, việc tuyển dụng trong công ty mỗi năm đều do dì Ngô đảm nhiệm. Tôi nghĩ bản thân mình dù sao cũng sắp bước vào xã hội, bèn đến phòng khách học hỏi kinh nghiệm của dì Ngô.
Bỏ qua thành tích học tập và tố chất chuyên ngành, dì Ngô đặt biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lễ phép ở nơi làm việc. Nghe dì Ngô nói, lúc đó do yêu cầu công việc, cần tuyển gấp một trợ lí. Người ứng tuyển rất nhiều, qua nhiều lần sàng lọc, cuối cùng chọn giữ lại một trong hai người là Tiểu Trương và Tiểu Vương. Tiểu Vương tốt nghiệp trường đại học tốp đầu, tố chất chuyên ngành vượt trội, tham gia thực tập với thành tích thi viết đứng đầu; còn Tiểu Vương lại đến từ một trường đại học bình thường, học ngành quản trị nhân lực, tố chất chuyên ngành cũng không tệ, nhưng so sánh tổng thể hoàn toàn không có gì đặc biệt xuất sắc.
Tôi hỏi đùa dì Ngô: “Thế còn chọn cái gì nữa, nhất định là Tiểu Trương rồi, người ta là sinh viên tài năng tốt nghiệp đại học tốp đầu.”

Dì Ngô bĩu môi tỏ ý bác bỏ, nói tiếp: “Tố chất chuyên ngành có tốt đi nữa mà không có một chút lễ phép thì làm sao được. Bình thường ở công ty đến chào hỏi cũng không biết, dáng vẻ tự cao tự đại, tôi chưa từng thấy cô ấy cười với ai. Lúc nhờ người khác giúp đỡ thì luôn giữ vẻ như người ta mắc nợ cô ấy vậy, nhắc nhở cô ấy mấy lần cũng chẳng ăn thua gì. Ban đầu tôi cũng cảm thấy cô bé này chỉ là không giỏi giao tiếp, có chút hướng nội, chỉ cần giải quyết tốt công việc là được. Nhưng thực tế chứng minh không phải như vậy. Công việc mà Tiểu Trương ứng tuyển vào là trợ lí quản lí nhân lực, nhưng không chỉ làm tốt chuyên môn là xong, mỗi việc đều phải giao tiếp với người khác. Khả năng của một người chung quy là có hạn, nên làm việc cần có đội nhóm.”
“Đội quân kiến” hiện nay đã trở thành danh từ đại diện cho hợp tác tập thể. Trong công việc và cuộc sống, không thể dựa vào chiến đấu đơn lẻ mà có thể đạt được thành công. Chỉ có hợp tác đoàn kết, hình thành môi trường làm việc tốt, mới có lợi cho sự phát triển lâu dài của công ty và cho chính bản thân mỗi người. Nếu bạn không lễ phép, cứ giữ vẻ tự cao tự đại, còn có ai muốn hợp tác với bạn? Cả ngày ở cạnh bạn đã cảm thấy đủ chán ghét rồi, nói gì đến hợp tác.
Nếu ngay cả thái độ lễ phép cơ bản nhất cũng không có, thì dựa vào cái gì mà bàn luận nhân sinh, ảo tưởng sớm độc lập tài chính?!
Ghi nhớ tên người khác
Sau khi nghe dì Ngô nói, tôi có một cảm giác được khai sáng, quả thật là “nghe một lời của cao nhân, hơn mười năm đọc sách”. Mỗi giai đoạn trên đường đời có thể được vài người đi trước chỉ bảo thật là một hạnh phúc lớn.
Tôi tiếp tục hỏi dì Ngô đến cùng: “Ngoài những điều đó, cháu còn nên chú ý điều gì nữa ạ?” Biết tôi hiện tại vẫn còn đi học, dì Ngô khuyên tôi bắt đầu từ việc ghi nhớ tên của người khác.

Đúng vậy, ghi nhớ tên người khác. Ông vua ngành thép Andrew Carnegie từng nói: “Tên gọi của một người là âm thanh quen thuộc nhất, ngọt ngào nhất, tuyệt diệu nhất đối với bản thân họ. Cách rõ ràng nhất, đơn giản nhất, quan trọng nhất, có khả năng dành được thiện cảm nhất trong giao tiếp, chính là ghi nhớ tên người khác.”
Tên họ là thứ đại diện cho con người, ghi nhớ tên của người khác là thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Có phải bạn cũng từng gặp trường hợp khi chào hỏi người quen, mặc dù đối phương đã đã gọi tên bạn rất rõ ràng, nhưng bạn lại không sao nhớ ra tên của họ.
Lúc này, nếu bạn có thể nhớ và gọi chính xác tên của đối phương, kết hợp chào hỏi hàn huyên đơn giản thì có thể lập tức rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Với đối phương, đây nhất định là một niềm vui bất ngờ, hơn nữa là một sự hài lòng. Họ cảm thấy bạn quan tâm họ, coi trọng họ, họ sẽ rất vui, cũng sẽ nảy sinh thiện cảm và tin tưởng bạn, từ đó tạo thuận lợi cho những lần gặp gỡ tiếp theo.
Đừng keo kiệt lời cảm ơn của bạn
Lễ phép – kiểu xã giao không tốn tiền nhất, lại đáng tiền hơn mọi thứ. Đối diện với một người lạ, ấn tượng đầu tiên của họ về bạn chính là cách bạn ăn mặc và nói chuyện. Ăn mặc khéo léo cũng là một kiểu lễ phép, một kiểu tôn trọng, còn nói năng nhã nhặn có thể giúp bạn tỏa sáng, tạo nên một hình tượng đẹp.
Khi ra ngoài ăn, chúng ta thường nghe thấy một khách hàng lớn tiếng quát tháo sai bảo nhân viên phục vụ. Công việc của nhân viên phục vụ đúng là cung cấp cho khách hàng sự phục vụ tốt hơn. Nhưng là khách hàng, chúng ta có thể tỏ lòng cảm ơn trước nỗ lực cực khổ của họ. Lúc nhân viên phục vụ thêm nước lẩu cho bạn, một câu “cảm ơn” đơn giản của bạn có thể khiến họ vui vẻ rất lâu.
Khi nhận tờ rơi, không vứt vào thùng rác trước mặt họ là một kiểu tôn trọng. Có thể bạn thực sự không cần thông tin đó, nhưng cách bạn cư xử có thể dành cho họ sự động viên thích đáng.

Khi đi tàu, gặp người già yếu bệnh tật, hãy tự giác đứng lên nhường chỗ, tương tự khi người khác nhường chỗ cho bạn cũng phải nhớ bày tỏ cảm ơn. Lúc đông người, không cẩn thận giẫm phải chân người khác, lập tức nói câu xin lỗi. Một tiếng “Cảm ơn”, một tiếng “Xin lỗi”, có thể đem đến cho xã hội nguồn năng lượng tích cực không nhỏ.
Tạp chí Time từng thống kê với 7.590 người Mĩ: trong số những người có thu nhập cao đạt hơn 100.000 đô-la/năm, sau khi có sự tranh chấp và phạm lỗi với người khác, thì tỉ lệ bày tỏ xin lỗi cao gấp hai lần so với những người có mức lương 25.000 đô-la/năm. Giữa lễ phép và thu nhập cũng tồn tại mối quan hệ trực tiếp. Nguyên nhân rất đơn giản, người lễ phép dễ có được sự coi trọng của người khác hơn, quan hệ xã giao cũng hài hòa hơn, cơ hội tự nhiên cũng sẽ ngày càng nhiều.
Lễ phép là một kiểu thái độ: tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng bản thân. Không nên keo kiệt một câu cảm ơn, cũng không nên keo kiệt một lời xin lỗi. Ngoài việc có tố chất chuyên ngành tốt, lễ phép có thể nói là công cụ giao tiếp quý báu, giá thành thấp nhất mà lợi nhuận cao nhất.

Bình luận