Chương 4. Đối nhân xử thế - Phần 8. Không biết cách từ chối, chịu oan ức trách ai

icon
icon
icon

Chúng ta cần làm một người lương thiện, một người tốt đúng nghĩa, nhưng tuyệt đối không nên chọn làm một người tốt mù quáng. Một người ngay đến cả bản thân mình cũng không biết cách yêu thương, thì làm sao hi vọng có được sự tôn trọng của người khác?!
Đừng để tính cả nể làm hại bạn
Có phải bạn thường vì cả nể, không nỡ từ chối mà khiến mình rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan không? Nếu nhận lời, thì bản thân không có thời gian, không có sức lực; còn nếu không nhận lời, lại lo lắng quan hệ xã giao bị ảnh hưởng. Chịu oan ức, muốn than trách, nhưng lại phải nuốt giận, âm thầm chấp nhận.
Cuối tuần, em họ tôi đã 12 giờ rưỡi đêm rồi vẫn gửi tin nhắn than phiền: “Em sắp suy sụp rồi!” Còn chưa đợi tôi hỏi nguyên do, cô bé đã trút ra một tràng.
Mới vào đại học, để tạo quan hệ tốt với bạn cùng phòng, cô bé luôn chủ động dọn vệ sinh, đến nỗi bây giờ bạn cùng phòng nghiễm nhiên mặc định việc dọn dẹp là nhiệm vụ của cô bé; nếu cô bé không dọn dẹp, ngược lại trở thành một tội lỗi. Người bạn đó buổi tối muốn ra ngoài ăn với bạn trai, nhưng bài tập ngày mai phải nộp, không kịp làm, thế là liền nhờ cô bé làm hộ. Cô bé tuy không bằng lòng, nhưng cũng không kiên quyết từ chối.
Tôi mắng cô bé dại dột, việc không thích sao không biết từ chối. Cô bé nói với tôi rằng nó sợ, cảm thấy nếu từ chối thì có gì đó mắc nợ bạn cùng phòng, thậm chí còn xấu hổ với bạn cùng phòng, như thể bản thân đã phạm lỗi.
Tôi nói với con bé lần sau không thích thì nói thẳng ra, nếu không biết từ chối thì đáng chịu oan ức. Cô bé cảm thấy tôi không đứng về phía nó để trách người bạn cùng phòng, ngược lại còn đi bênh người ta, thế là những hôm sau lơ tôi đi.
Giả sử là một người khác, nhất định tôi sẽ không nói nghiêm khắc như vậy, nhưng liệu an ủi nhẹ nhàng hay tỏ vẻ đồng cảm với cô bé liệu có thật sự phát huy tác dụng không?
Người bạn cùng phòng có thể tùy tiện bỏ bài tập, lại yêu cầu cô bé giúp mình hoàn thành nhiệm vụ vốn không thuộc về nó. Cô bạn cùng phòng lại chỉ quan tâm đến niềm vui của bản thân mà không quan tâm đến cảm nhận của cô bé, tại sao cô bé không thể dứt khoát nói ra một câu “không đồng ý”?
Tôi khuyên nhủ cô bé rất lâu, nhưng suy nghĩ kĩ lại, bản thân mình đã có bao nhiêu lần phạm sai lầm như vậy? Thường vì cả nể mà bị kéo vào biết bao cuộc tụ họp, rượu bia. Sau ba tuần rượu, cơ thể cũng bắt đầu lâng lâng, chỉ muốn vật xuống giường ngủ đến khi trời sáng, nhưng lại vì ngại từ chối, đã đứng không vững còn bị cưỡng ép kéo vào quán Karaoke, cho đến nửa đêm mới được thả tự do.
Thử suy nghĩ kĩ: Tại sao không dám từ chối? Lí do không ngoài cả nể, sợ làm tổn hại mối quan hệ, sợ cấp trên gây khó dễ. Nhưng, nếu bạn không từ chối mà lại phải chịu oan ức, sau đó liệu có ai thương xót bạn không?

Trong bộ phim “Hoan lạc tụng”, một đồng nghiệp nghỉ ốm nhờ Quan Sử Nhi giúp hoàn thành công việc còn dang dở. Quan Sử Nhi là nhân viên mới, để tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, dù muốn từ chối, cô vẫn không thể mở lời. Phải thức đêm tăng ca, cuối cùng Quan Sử Nhi cũng đã thu dọn xong đống việc hỗn độn, cô cho rằng đồng nghiệp sẽ ghi nhớ tình cảm của mình.
Nhưng thực tế thì sao? Vì số liệu nửa phần đầu của đồng nghiệp sai sót, lỗi rất nhiều, dẫn đến tài liệu cuối cùng không thể sử dụng. Khi lãnh đạo nổi giận trách mắng Quan Sử Nhi, đồng nghiệp của cô ấy có nói đỡ cô ấy câu nào không? Hoàn toàn không.
Chính là như vậy! Bản thân cực khổ tăng ca, không những không được ân huệ, ngược lại còn trở thành kẻ nhận tội thay.
Nếu cứ nhất định muốn tạo nên một hình tượng lương thiện, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, không từ chối những lời nhờ vả, thì cuối cùng chỉ có bản thân mình là người chịu ấm ức.
Đừng trở thành người tốt mù quáng
Chúng ta cần làm một người lương thiện, một người tốt đúng nghĩa, nhưng tuyệt đối không nên chọn làm một người tốt mù quáng. Một người ngay đến cả bản thân mình cũng không biết cách yêu thương, thì làm sao hi vọng có được sự tôn trọng của người khác?!
Trong bộ phim “2 Broke Girls” có một câu nói: Giá trị của một người là do sự từ chối mang đến. Câu nói này không phải muốn bạn tỏ một thái độ ngạo mạn, từ chối bất kì thỉnh cầu nào của người khác, rồi lấy đó để nâng cao giá trị bản thân. Chỉ là muốn nói với bạn rằng, điều bạn không thích thì phải nhất quyết từ chối, không ai có thể ép buộc bạn làm trái ý muốn bản thân, trừ khi tự bạn chọn thỏa hiệp.

Thường là chúng ta càng dè dặt, lại càng bị người khác xem thường. Trong mắt người khác, bạn chẳng qua là một con cừu non, bất kì ai bắt nạt cũng chỉ biết âm thầm chấp nhận.
Thời gian trước, tôi vào một nhóm kết bạn khu vực lân cận và vô tình đọc được chia sẻ của một cô gái đăng tải trong nhóm đó. Cô gái nói mấy ngày trước mình bị bố mẹ sắp xếp đi xem mặt. Người con trai không phải mẫu người cô thích, nhưng anh ta rất có cảm tình với cô ấy. Ngại từ chối nên cô ấy vẫn cố qua lại với người ta, cứ như thế hai tháng trời. Có lần, cô ấy muốn đề nghị chia tay, nhưng lại sợ làm tổn thương đối phương, định nói rồi lại thôi. Bây giờ chuẩn bị phải gặp mặt hai bên gia đình, cô gái cảm thấy đã đến giới hạn cuối cùng, nhưng vẫn không biết bày tỏ thế nào mới có thể không làm mất hòa khí.
Không biết từ chối thế nào mới có thể vui vẻ, mới có thể không làm mất hòa khí – đây là lí do để rất nhiều người trong chúng ta chọn cách thỏa hiệp chấp nhận. Nếu như bạn muốn hỏi tôi có cách giải quyết ổn thỏa nhất không, tôi sẽ nói là không có. Một khi đã từ chối đối phương, không đúng như kì vọng của người ta, họ khó tránh khỏi mất lòng, thậm chí có những kẻ tiểu nhân vì chuyện này mà cho rằng bạn mắc nợ họ. Kiểu người thứ nhất là lẽ thường tình; kiểu người thứ hai không cần quan tâm, vì họ không phải là người cùng đường với bạn.
Từ chối như thế nào mới giảm tổn thương xuống mức thấp nhất?
1. Từ chối nhất định phải dứt khoát, không nên dây dưa
Cô gái nhắc đến ở trên, rõ ràng biết trong lòng mình không thích đối phương, lại chỉ vì sợ làm tổn thương đối phương mà cứ dây dưa mãi. Cái giá của sự không dứt khoát từ chối sẽ theo thời gian mà lớn dần lên. Nếu ngay từ lúc bắt đầu bạn đã từ chối, chỉ cần một nụ cười đơn giản là xong, để đến bây giờ lại phải bỏ ra nhiều thời gian sức lực hơn để giải quyết cho ổn thỏa. Huống hồ, rõ ràng biết không thể đáp ứng yêu cầu của đối phương, cứ dây dưa, càng là sự thiếu tôn trọng với người ta.
2. Giải thích nguyên nhân
Từ chối là chuyện rất bình thường, chỉ cần trình bày đơn giản lí do bản thân không thể giúp đỡ, đối phương cũng sẽ không tiếp tục thỉnh cầu nữa. Giả dụ đối phương cứ bám lấy không tha, cũng có thể xem xét đến tầm quan trọng của sự việc mà họ nhờ. Nếu đó là việc bản thân bạn có thể làm được và dễ dàng giải quyết, thì đưa ra phương án giúp đỡ thích hợp, như vậy vẫn có thể giữ vững tình cảm giữa hai bên. Nhưng nếu đối phương coi bạn là con thỏ mềm yếu, cho rằng bạn dễ bắt nạt, vậy cũng không cần khách sáo, nói thẳng với họ mình không có thời gian là được.
3. Đưa ra phương án thay thế
Khi không thể giúp đỡ, bạn có thể đưa ra một phương án thay thế. Đối phương cảm thấy tuy rằng bạn không thể giúp họ, nhưng ít nhất cũng suy nghĩ cho họ. Phương án thay thế giống như một lối thoát, hai bên đều sẽ tránh được khó xử. Đôi khi sự giúp đỡ mà phương án thay thế mang đến cho họ thực sự tốt hơn nhiều so với khi bạn đích thân làm giúp họ.
Ngoài ba gợi ý ở trên, còn cần chú ý một điểm, chính là: Sau khi từ chối rồi thì không cần nghĩ nhiều. Trước khi từ chối có thể bình tĩnh suy nghĩ, nhưng sau khi từ chối thì quên đi việc đó, không cần lo lắng họ có vì chuyện đó mà xa cách mình không, hay mình có đắc tội với người ta không. Bởi sự việc đã xảy ra, suy đoán không có tác dụng gì, sẽ chỉ tăng thêm cảm giác tội lỗi vốn không đáng có.

Học cách từ chối có thể bớt lãng phí thời gian không cần thiết, là sự tôn trọng người khác và chính mình, có trách nhiệm với cuộc đời mình. Cho nên, đừng vì không biết từ chối mà phải chịu oan ức rồi khóc lóc, tủi thân. Nếu bản thân chúng ta không yêu chính mình, làm sao hi vọng người khác tôn trọng chúng ta được?!

Bình luận