Chương 6. Nhìn xem, cuộc sống tươi đẹp biết bao - Phần 5. Bạn phải nhớ mình cũng từng là một đứa trẻ

icon
icon
icon

Chúng ta dần trưởng thành, cũng dần bị xã hội này đồng hóa, giống như một học sinh, học thuộc những đáp án thầy cho, dù không hiểu, nhưng quy định đáp án như vậy mới được điểm cao. Thế là chúng ta trở thành một cái máy làm bài tập, chũ biết đáp án chuẩn. Còn vấn đề tại sao lại như vậy, không phải là phạm trù chúng ta cần suy nghĩ. Chúng ta bước vào môi trường làm việc, đối diện với những chất vấn của lãnh đạo, tất cả những sáng kiến đều bị chôn vùi khi còn trong ý tưởng, cứ theo nguyên tắc thà bớt đi một việc còn hơn thêm một việc, sợ bản thân nỗ lực quá nhiều mà ngược lại còn lộ ra thêm nhiều lỗi. Thế là cẩn thận gìn giữ tất cả mọi thứ mình đang có.

Mỗi người lớn đều từng là một đứa trẻ, chỉ là chúng ta quên mất thôi
Tác giả nổi tiếng người Pháp Saint-Exupéry từng mượn thân phận của một hoàng tử bé dễ thương, ngây thơ trong tác phẩm “Hoàng tử bé” để nói với độc giả rằng: “Mỗi người lớn đều từng là một đứa trẻ, chỉ là chúng ta quên mất thôi.”
Lần đầu tiên đọc “Hoàng tử bé”, tôi đã là thanh niên, mới bước chân vào sân trường đại học, đọc cuốn sách này vì muốn xem nó có đúng như những lời đánh giá tốt đẹp độc giả dành cho nó không. Cuốn sách không dày, đọc chăm chú chỉ mất một tiếng đồng hồ là xong.
Đọc rồi tôi chỉ cảm thấy tác giả là người lập dị, thoát li hiện thực, cơ bản là không hợp logic, so sánh với rất nhiều những cuốn sách về gương thành công đầy rẫy trên thị trường ngày nay, rõ ràng là “chẳng ý nghĩa gì”. Hiển nhiên, ấn tượng đầu tiên của tôi với cuốn sách này không tốt, thậm chí cảm thấy lãng phí thời gian.
Nghỉ hè, tôi bị hai đứa em nhà dì quấn lấy, ngày nào cũng ở lì nhà tôi không chịu về, viện lí do là “bài tập không biết làm, muốn tôi phụ đạo cho chúng”. Nhưng thực tế là hai đứa nhóc này muốn trốn sự giám sát của ba mẹ, chạy đến chỗ tôi chơi máy tính.
Hai thằng nhóc này nói chung thể hiện cũng không tệ, mặc dù thường phải nẹt, thậm chí là “đánh”, vừa đe dọa vừa dỗ dành mới làm xong trước khi đi ngủ, nhưng được cái mỗi ngày đều hoàn thành đúng giờ. Đã gọi là đe dọa dỗ dành, thì chắc chắn phải đồng ý một điều kiện: trước khi ngủ cho chúng xem một bộ phim.
Hai thằng nhỏ này vào năm học là lên lớp 4, xem ra các loại phim siêu nhân, hay chú cừu vui vẻ chúng xem chán rồi, đòi tôi phải giới thiệu cho chúng một bộ phim hoạt hình người lớn hay xem. Tôi bực mình nói: “Người lớn còn xem phim hoạt hình gì chứ, xem bừa cái gì đó rồi ngủ sớm đi.”
“Xem phim này đi, phim này mới ra đó.” Một trong hai tiểu quỷ đề nghị.
“Được, xem cái này!” Tiểu quỷ còn lại tích cực hưởng ứng.
Tôi nằm trên giường đọc sách, mắt liếc qua cái Ipad, nhìn thấy tên phim là “Hoàng tử bé”. Tôi cùng chúng xem bộ phim này, vốn chỉ định xem hình ảnh của bộ phim, cuối cùng lại bị hấp dẫn bởi nội dung đơn giản thuần khiết mà bộ phim muốn truyền đạt. Đây là lần thứ hai tôi tiếp xúc với “Hoàng tử bé”, cũng là lần làm tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn về nó. Tình bạn mà bộ phim thể hiện tuy giản dị song lại có thể đi sâu vào lòng người.
Duy nhất có một điều khiến tôi buồn lòng là hai thằng nhóc cứ liên tục hỏi tôi tại sao: Tại sao hành tinh của hoàng tử bé chỉ có một mình cậu ấy? Tại sao con sâu rượu lại không ngừng uống rượu, nó không biết uống rượu không tốt cho sức khỏe sao? Con sâu rượu là người thứ ba mà hoàng tử bé gặp được sau khi bỏ nhà đi. Hoàng tử bé hỏi anh ta tại sao cả ngày cứ uống say như thế, con sâu rượu nói là vì muốn quên đi những chuyện mà bản thân cảm thấy buồn. Chuyện gì khiến cho anh ta buồn như vậy? Vì cả ngày đều uống rượu say.
Có lẽ đây là sức hấp dẫn của bộ phim, so với đọc truyện, bộ phim chưa đến hai tiếng đồng hồ được truyền tải bằng những hình ảnh sống động làm cho thông điệp hiện ra rõ hơn, mang lại sự xúc động cho chúng ta nhiều hơn, khiến tôi bất giác nhớ lại dáng vẻ mập mạp của mình khi còn nhỏ.
Lúc nhỏ tôi cũng giống như hai thằng nhóc này, mỗi lần nghỉ hè đều giống như con ngựa hoang đứt cương chạy khắp nơi để chơi. Chơi còn chưa đủ thì kì nghỉ hè đã sắp kết thúc, vội vàng làm bài tập vào những ngày cuối cùng của kì nghỉ hè.
Chúng ta đều từng là hoàng tử bé, mang trong mình một chút dễ thương, một chút trẻ con, nhưng lại tràn đầy háo hức và mộng tưởng.
Chúng ta dần trưởng thành, cũng dần bị xã hội này đồng hóa, giống như một học sinh, học thuộc những đáp án thầy cho, dù không hiểu, nhưng quy định đáp án như vậy mới được điểm cao. Thế là chúng ta trở thành một cái máy làm bài tập, chỉ biết đáp án chuẩn. Còn vấn đề tại sao lại như vậy, không phải là phạm trù chúng ta cần suy nghĩ. Chúng ta bước vào môi trường làm việc, đối diện với những chất vấn của lãnh đạo, tất cả những sáng kiến đều bị chôn vùi khi còn trong ý tưởng, cứ theo nguyên tắc thà bớt đi một việc còn hơn thêm một việc, sợ bản thân nỗ lực quá nhiều mà ngược lại còn lộ ra thêm nhiều lỗi. Thế là cẩn thận gìn giữ tất cả mọi thứ mình đang có.
Học hỏi từ những đứa trẻ
Trước khi nghỉ hè, tôi đã hứa với hai đứa nhóc, nếu cuối kì thi tốt thì sẽ dẫn chúng đến khu vui chơi. Có động lực, quả nhiên chúng biểu hiện khác hẳn, thành tích cuối kì của hai thằng nhóc có tiến bộ không nhỏ. Những đứa trẻ đã làm được rồi, người lớn cần phải tuân thủ lời hứa của mình.
Nơi tôi trưởng thành là một huyện nhỏ, muốn đến khu vui chơi phải đi lên tỉnh, nghĩ đến việc hai đứa nhóc chưa từng được ngồi xe lửa, chúng tôi liền quyết định chọn đi tàu hỏa. Trên đường hai đứa nhóc rất háo hức, chúng liên tục hỏi: Tại sao ở dưới đường ray lại có nhiều cục đá vỡ như thế? Tại sao khi tàu qua hầm tai sẽ bị đau? Chất thải khi chúng ta đi vệ sinh sẽ trôi đi đâu? Khi tôi nói với chúng chất thải đó đều rơi thẳng xuống đường ray, hai thằng nhóc trợn mắt nhìn nhau, tỏ vẻ không thể tin được.
Mặc dù liên tục nhắc chúng phải giữ trật tự, nhưng hai thằng nhóc vẫn không nén được sự kích động, nhìn thấy cái gì mới mẻ là không chịu ngồi yên.
Chẳng có ai giống như hoàng tử bé, học cách thưởng thức và cảm nhận những cái đẹp khi đoàn tàu chạy. Chúng ta dần dần không còn sự ham học hỏi mãnh liệt như hồi còn nhỏ. Tàu cũng chỉ là một phương tiện giao thông để chúng ta theo đuổi giấc mơ. Điều duy nhất khiến chúng ta lo lắng chính là tàu có chạy đúng giờ không.
Chúng ta đi quá nhanh, đi theo giáo điều, dần dần quên mất bản thân mình. Hoàng tử bé ở trên trái đất này từng gặp một công nhân đường tàu, công việc chủ yếu của anh ấy là phụ trách điều tiết tàu đến tàu đi. Tàu chở những người không bao giờ hài lòng với những nơi mình muốn đến, mà những người không bao giờ thấy vừa ý đó bao gồm cả tôi và bạn.
Trong tác phẩm “Hoàng tử bé”, tác giả Saint-Exupéry cho rằng, thơ ấu là thời kì chúng ta mong chờ những kì tích, theo đuổi tình cảm ấm áp, tràn đầy ước mơ, trái ngược với người lớn luôn trong tâm trạng nặng nề, coi trọng quyền lực, hư vinh nông cạn.
Chúng ta càng lớn càng trở nên hồ đồ, càng lớn càng mệt mỏi, gông xiềng quá nhiều, dục vọng cũng nhiều, tự nhiên phải gánh vác quá nặng. Bạn phải nhớ mình cũng từng là đứa trẻ, vô tư, vui vẻ, tràn đầy sự ham học hỏi, có rất nhiều cách nghĩ bay bổng không tưởng, thậm chí có những cách nghĩ ngày nay vẫn còn đang xa vời. Nhưng chúng ta của lúc bấy giờ quả thật rất chắc chắn.
Chúng ta của bây giờ nhìn nhận tất cả đều bằng danh lợi, mọi việc tốt xấu đều lấy kết quả làm dẫn đường. Chi bằng dừng lại, thay đổi góc nhìn, xem lại tất cả những gì mình có bây giờ dưới con mắt của một đứa trẻ, bạn sẽ bất ngờ không thể kìm nổi phải thốt ra rằng: Thì ra cuộc sống tươi đẹp như vậy!

Bình luận