Chương 1. “Thủy tinh tâm”, xin chào! - Phần 5. Không có gì trong tay không đáng sợ.

icon
icon
icon


Đừng nghĩ bản thân mình quá quan trọng, không có bạn, công việc của nhóm vẫn hoàn thành, công ty vẫn vận hành, và mặt trời cũng vẫn mọc như thường. Đáng sợ nhất không phải bạn không có gì. Mà đáng sợ nhất là khi bạn không có gì lại còn “thủy tinh tâm”, không chịu được một chút nghi ngờ hay vài ba câu trách móc của người xung quanh.

Thái độ quyết định tất cả
Đa số mọi người, nói dễ nghe một chút là có lòng tự tôn, có liêm sỉ cơ bản; nói khó nghe một chút chính là thích sĩ diện, luôn cho rằng bản thân mình không có gì là không thể làm được, tưởng rằng thế giới này không có mình thì không thể vận hành. Nhưng sự thật lại như “tát” vào mặt bạn, nói với bạn rằng: Bạn quá ảo tưởng rồi!
Bài tập môn chuyên ngành yêu cầu chúng tôi đi điều tra thị trường. Để lấy được dữ liệu bước đầu, ngoài việc tải bộ câu hỏi từ trên mạng xuống, các thành viên trong nhóm còn phải tiến hành phỏng vấn trực tiếp. Nói dân dã, chính là phát “tờ rơi”, cầm một xấp phiếu hỏi, gặp ai thì nhờ điền vào một tờ. Rất nhiều bạn không thích thực hiện công việc này, nguyên nhân không ngoài ba điều sau: (i) đa phần cảm thấy đi phát phiếu điều tra kiểu như phát tờ rơi thật mất mặt; (ii) cũng có người sợ bị từ chối; (iii) còn có người cho rằng việc thu thập thông tin kiểu này không đem lại hiệu quả thiết thực, không nhất thiết phải làm.
Khi chuẩn bị xong phiếu điều tra mới của phần bài tập nhóm lần này, là nhóm trưởng, tôi chia nhóm thành hai tổ, yêu cầu các tổ lần lượt đi điều tra những người nhận phỏng vấn ở những độ tuổi và tầng lớp khác nhau. Thời gian để điền một phiếu mất khoảng 1-2 phút, xem tình hình những cuộc điều tra trước đó, nhận thấy việc điều tra những người trưởng thành với dáng đi vội vã, công việc khẩn trương có độ khó cao nhất, vì thế tôi đã phân công hai bạn Tiểu Uông và Tiểu Nhã cùng thực hiện nội dung điều tra này.
Nhiệm vụ như nhau, nhưng từ lúc bắt đầu, thái độ của hai người đã khác nhau rõ rệt: Tiểu Uông đầu tiên hỏi số lượng cần phải điều tra và đối tượng được phỏng vấn có yêu cầu đặc biệt gì không; còn Tiểu Nhã phản ứng lại, mong muốn có thể đảm nhiệm phỏng vấn nhóm thanh thiếu niên – có độ khó thấp hơn.
Tiểu Nhã đã nói như vậy, tôi liền đồng ý đề nghị của cậu ấy, để một bạn khác trong nhóm điều tra đối tượng thanh thiếu niên đổi công việc cho Tiểu Nhã. Nhiệm vụ “đơn giản rõ ràng”, mỗi nhóm cần thu thập ít nhất 200 phiếu trả lời chất lượng. Thời gian cao điểm khoảng ba tiếng đồng hồ buổi tối, nhóm của Tiểu Uông mang về gần 300 phiếu trả lời chất lượng, hoàn thành vượt mức kế hoạch; còn nhóm Tiểu Nhã chỉ mang về hơn 150 phiếu, theo một bạn khác phản ánh, Tiểu Nhã còn chưa hoàn thành được đủ 50 phiếu.
Như vậy là kém rất xa so với mục tiêu của chúng tôi, số liệu ban đầu không đủ, phân tích về sau cũng sẽ không có căn cứ.
Thật ra từ khi mới bắt đầu tôi đã có thể dự đoán được kết quả. Thái độ quyết định tất cả! Tiểu Uông suy nghĩ cách giải quyết vấn đề, còn Tiểu Nhã lại suy nghĩ làm sao giảm bớt độ khó công việc của mình.
Vài người cùng nhóm không chịu nổi đã phê bình hiệu quả công việc của Tiểu Nhã, ai ngờ Tiểu Nhã nổi giận trước, hét lên: “Các cậu đâu có biết bây giờ sinh viên đại học tệ như thế nào?! Người ta cơ bản không thèm để ý cậu, nhìn thấy tôi phát phiếu điều tra thì tránh tôi như tránh hủi. Các cậu chỉ đứng ngoài mà nói cho sướng mồm, có giỏi thì các cậu đi làm đi.”
Tiểu Yên phản bác: “Độ khó trong điều tra của bạn Tiểu Uông còn lớn hơn nhiều, các cậu cùng nhau đi làm, người ta thu về đến hơn 280 phiếu, nhóm cậu mới có hơn 150 phiếu, bản thân cậu thu thập còn chưa đủ 50 phiếu, như vậy là cậu kém xa còn gì.” Tiểu Nhã tự cảm thấy đuối lí, nhưng lại không thể nhượng bộ, đùng đùng bỏ đi.
Rõ ràng là người trì trệ nhất trong đội, nhưng lại đòi hỏi được bảo vệ, làm không được, nói cũng không xong, có một đống lí do than vãn. Bị chỉ trích vì hiệu quả công việc thấp, cảm thấy mất thể diện, tưởng rằng bỏ đi là “anh dũng”, nhưng trong mắt mọi người chỉ càng thể hiện sự yếu đuối.
Chỉ một hoạt động điều tra đơn giản đã bộc lộ mặt xấu của Tiểu Nhã. Bị vạch trần một cách tàn nhẫn, hình tượng sinh viên giỏi mà thường ngày Tiểu Nhã cố gắng xây dựng tan thành mây khói. Kết cục là, công việc của Tiểu Nhã được giao cho một thành viên khác đảm nhận. Không có Tiểu Nhã, chẳng qua chỉ thêm một lượng công việc nhỏ. Không có Tiểu Nhã, cả nhóm vẫn tiến về phía trước như thường.
Hậu quả của thói “làm cao” chính là mất việc. Không ít người trẻ coi sự vô tri là cá tính, cho rằng bản thân mình rất táo bạo, rất khí chất, cho rằng nếu thế giới tách khỏi họ sẽ không thể vận hành. Nhưng sự thực là, trong khi bạn mất việc và phải chật vật tìm mọi cách nhồi nhét CV của mình vào thị trường tuyển dụng, thì cả công ty vẫn tiếp tục vận hành như thường.
Đừng đánh giá bản thân mình quá quan trọng, không có bạn, công việc của nhóm vẫn hoàn thành, công ty vẫn vận hành, và mặt trời cũng vẫn mọc như thường. Đáng sợ nhất không phải bạn không có gì, cũng không phải là những thứ như thiếu năng lực, không có khả năng cải thiện tình hình, không có bản lĩnh tích cực chủ động học hỏi... Mà đáng sợ nhất là khi bạn không có gì lại còn “thủy tinh tâm”, không chịu được một chút nghi ngờ hay vài ba câu trách móc của những người xung quanh.
Tìm ra vấn đề từ bản thân mình
Cứ vào thời điểm kiểm tra cuối kì, những người được coi là “thần đồng” thường rất được ngưỡng mộ, không ít những thành phần tích cực “ham học” vây quanh họ. Tôi cũng theo chân họ tầm sư học đạo. Thần đồng quả thật là thần đồng, lối tư duy của họ rất vượt trội, chỉ cần lơ là một chút là không theo được. Rõ ràng là nghe không hiểu nhưng lại không dám mở miệng bảo thần đồng giảng chậm lại, lo sợ người khác chê cười mình, chỉ mong lúc đó có một kẻ “đần” nào khác nói hộ ra điều mà mình nghĩ, như vậy vừa có thể nghe lại một lần nữa, lại không đến mức lộ ra cái dốt của bản thân.
Nhưng tiếc rằng, đợi mãi không có kẻ “đần” như thế, giờ giải lao tôi không kìm được đã nói ra những thắc mắc của mình. Thần đồng buột miệng nói một câu: “Trời ơi, cái này mà cậu cũng không biết, cái này rất đơn giản, trước tiên như thế này… rồi như thế này… Rất dễ làm mà, đây là một ví dụ trong sách giáo khoa, chỉ thay số liệu thôi.”
Ngữ điệu cảm thán của thần đồng “Trời ơi!” “Cái này rất đơn giản mà!” “Thế thôi mà!” đủ làm tan vỡ trái tim mong manh của tôi, những lời giảng giải sau đó tôi hoàn toàn không nghe lọt một chữ nào.

Sau chuyện đó ngẫm nghĩ lại, tôi đúng là đã tự biến mình thành trò cười. Bởi bình thường bản thân không học tập tốt, nước đến chân mới nhảy, lại vì một câu nói của thần đồng mà rơi vào vũng bùn của “thủy tinh tâm”, thậm chí trách móc thần đồng lạnh lùng vô cảm, xem thường người khác.
“Tôi mong manh vì tôi có lí do riêng” – tư duy như thế thật sự không thể chấp nhận. Sau khi nhận thức được điểm này, tôi bắt đầu ôn tập nghiêm túc, không – phải nói chính xác là chuẩn bị trước bài giảng mà thần đồng đánh dấu. Qua một đêm chiến đấu gian khổ thì phát hiện ra vấn đề quá đơn giản, nếu bây giờ người khác hỏi tôi, tôi cũng sẽ nói một câu: “Trời ơi, cái này rất đơn giản mà!”
Nhìn xem, nhiều khi không phải là người khác độc miệng, cũng không phải người khác xem thường bạn. Bởi bạn thật sự quá mong manh, một câu cảm thán, một lời phê bình đơn giản của người khác cũng khiến bạn không chịu đựng được.
“Thủy tinh tâm” không đáng sợ chút nào, đáng sợ là khi chúng ta đã không có gì trong tay lại còn quá “thủy tinh tâm”, không chịu được một chút phê bình của người khác, một khi bị chất vấn liền lập tức xù lông.
Học cách làm người mạnh mẽ
Hãy bỏ cái tư duy “Tôi mong manh vì tôi có lí do riêng” đi, nghiêm túc nâng cao năng lực của bản thân mới là điểm then chốt. Chỉ khi năng lực bản thân đã đạt đến một trình độ nhất định, mới có thể hoàn toàn giác ngộ và nhận ra thiếu sót của mình.
Học làm một người cứng rắn, học cách phạm lỗi, thậm chí học cách “mặt dạn mày dày”. Đừng lúc nào cũng cho rằng người khác đang cố ý làm hại bạn. Hãy xuất phát từ nội tâm của mình, hỏi xem rốt cuộc bản lĩnh của mình lớn đến đâu, rốt cuộc mình có thể đem đến cho tập thể bao nhiêu lợi ích.

Hãy thu lại lòng tự tôn quá mức của bạn, thu lại trái “thủy tinh tâm” mong manh của bạn. Đừng hi vọng xã hội này sẽ hết lòng che chở chúng ta như bố mẹ chúng ta. Thất bại của Tiểu Nhã căn bản không phải là vì người khác không thể giúp cậu ấy. Trái “thủy tinh tâm” của tôi căn bản không phải là do các bạn học thần đồng giảng bài quá nhanh. Vẫn là thái độ của chúng ta có vấn đề, năng lực cũng không theo kịp, không thể trách người ta.
Người khác không phải Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, không có nghĩa vụ phải che chở bao bọc bạn. Thay vì lãng phí thời gian suy nghĩ làm sao để người khác coi trọng mình, chi bằng nỗ lực nâng cao tố chất, năng lực và chuyên môn của bản thân. Chỉ có như vậy, trái “thủy tinh tâm” mới ngày càng cách xa chúng ta.

Bình luận